Theo thông tin mà phóng viên được biết, hiện ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có khoảng 600 bộ hồ sơ chờ xét duyệt hưởng chế độ chất độc da cam. Thế nhưng, bất thường ở chỗ trong 600 hồ sơ này khoảng 500 hồ sơ là “thần kinh ngoại biên”. Tại sao lại có sự lạ này?
Hồ sơ thần kinh ngoại biên dễ làm giả?
Trong cuộc trao đổi với phóng viên ngày 7/4, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Nghĩa Hưng cho biết: Việc xét duyệt người được hưởng chế độ chất độc màu da cam phải theo các quy định của Nhà nước. Mỗi giai đoạn lại có những nội dung quy định thay đổi khác nhau. Chẳng hạn từ năm 2000 thì phải xét duyệt theo Quyết định số 26, sau đó đến Quyết định số 120/2004, sau đó đến Nghị định số 54 và hiện nay lại xét duyệt đối tượng theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, thông tư số 07/2006 và 08/2009... Về tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ chất độc màu da cam dựa theo Thông tư Liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH của liên Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội.
Theo thông tư số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH của liên Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội thì đối tượng được hưởng chế độ chất độc màu da cam phải bị một trong 17 bệnh sau đây: 1- bệnh ung thư phần mềm, 2 – bệnh ulympho không hodkin, 3 – bệnh ulympho hodkin, 4 – bệnh ung thư phế quản, 5 – ung thư khí quản, 6 – ung thư thanh quản, 7 – bệnh ung thư tiền liệt tuyến, 8 – ung thư gan nguyên phát, 9 – bệnh đa u tủy xương ác tính, 10 – bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính, 11 – bệnh trứng cá do clo, 12 – bệnh đái tháo đường type 2, 13 – bệnh porphyrin xuất hiện chậm, 14 – các bất thường sinh sản, 15 – rối loạn tâm thần, 16 – các dị dạng, dị tật bẩm sinh, 17 – tật gai sống chẻ đôi.
Theo một số người dân địa phương, trong số 17 bệnh kể trên thì bệnh thần kinh ngoại biên dễ làm nhất, dễ hợp lý hóa nhất khi bị cơ quan chức năng kiểm tra. Bởi vì người già bây giờ ai mà không đau lưng, đau khớp? Ngoài ra, việc làm bệnh án là bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính cũng có thời gian hưởng chế độ lâu nhất. Nếu khai bị ung thư mà sống được cả chục năm thì người ta lại nghi ngờ, lại bị điều tra thì không ổn, cho nên cứ làm bệnh thần kinh ngoại biên cho dễ đối phó với cơ quan chức năng. Có lẽ vì tâm lý này, cho nên các đầu mối làm hồ sơ da cam giả đều làm bệnh án khống cho khách hàng của mình là bệnh thần kinh ngoại biên cho nên mới dẫn đến tình trạng căn bệnh này cao bất thường tại huyện Nghĩa Hưng.
Có khoảng 500/600 bộ hồ sơ đề nghị xét duyệt hưởng chế độ chất độc hóa học màu da cam có bệnh án là bệnh thần kinh ngoại biên cấp và bán cấp tính. |
Nhiều cơ quan liên quan
Theo lời ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội thì khi xét duyệt ở các cụm, huyện chỉ có trách nhiệm đầu mối để một hội đồng của sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh trực tiếp xuống kiểm tra. Ngoài ra, mỗi đợt xác minh đối tượng chính sách, huyện còn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nghĩa Hưng để tiến hành xác minh, đối chiếu.
Có nghĩa là sau khi hồ sơ nộp lên phòng, phòng sẽ lập danh sách đưa sang Ban Chỉ huy Quân sự huyện, sau đó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện sẽ đối chiếu tên của người đề nghị hưởng chế độ chất độc màu da cam xem có tên trong danh sách nhập ngũ, ngày, tháng, năm nhập ngũ như danh sách gốc hay không?! Mỗi đợt, phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện chuyển danh sách đối tượng sang Ban Chỉ huy Quân sự huyện số lượng 20 người. Ban Chỉ huy Quân sự đối chiếu xong phòng mới nộp tiếp đợt sau. Mỗi đợt là 20 người.
Như vậy, theo lời của ông Nguyễn Văn Thành, để xác định đối tượng có phải là da cam thật hay không thuộc chức năng của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nghĩa Hưng và các cơ quan khác như Sở Lao động Thương Binh & Xã hội, Sở Y tế tỉnh, Bệnh viện Đa khoa... huyện chỉ có vai trò trung gian, đầu mối.
Liên quan đến việc xác minh đối tượng nhiễm chất độc hóa học màu da cam và bệnh thần kinh ngoại biên cao bất thường. Bà Trần Thị Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa, thuộc Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết: Trước khi khẳng định đối tượng có nhiễm chất độc hóa học màu da cam hay không thì phải qua giám định viên chuyên sâu. Giám định viên chuyên sâu là người có chuyên môn về bệnh nào đó, có đủ trình độ, chuyên môn để đánh giá, kết luận xem một người bị bệnh gì, điều trị làm sao. Sau khi xác định được đối tượng bị bệnh gì sẽ đưa về khoa trực thuộc để điều trị. Phần lớn việc khám bệnh cho đối tượng hưởng chế độ chất độc màu da cam do Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Tâm Thần tỉnh Nam Định thực hiện.
Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Nam Định, “chốt chặn” quan trọng để ngăn ngừa nạn da cam giả có “quan hệ” thế nào với ông Hà và các mắt xích làm hồ sơ giả? |
Hội đồng Y khoa gồm những ai?
Như thông tin đã phản ánh tại những bài viết trước, con đường đi của hồ sơ da cam giả phải qua rất nhiều “cửa”, nhiều khâu với nhiều người có chuyên môn tham gia. Một chốt chặn gần như cuối cùng và rất quan trọng để xác minh đối tượng là da cam thật hay giả là Hội đồng Y khoa tỉnh. Thế nhưng, hội đồng với gần 20 người này đã phát huy vai trò kiểm định mà Nhà nước giao như thế nào?
Theo lời ông Nguyễn Văn Hà, đầu mối làm giả các loại giấy tờ, hồ sơ chất độc màu da cam xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng thì ông phải chạy từ huyện đến tỉnh. Muốn hồ sơ lọt được phải “chạy qua” hội đồng của huyện và đặc biệt là hội đồng tỉnh khoảng “mười mấy người”. Chưa rõ lời ông Hà chính xác đến đâu. Nhưng nếu xâu chuỗi các sự kiện thì dường như ông Hà không nói chơi về các mối quan hệ của mình.
Ông Nguyễn Trung Huy, cán bộ huyện Nghĩa Hưng thừa nhận, có đến 70% số hồ sơ nộp lên huyện có chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên. |
Để xác minh “mười mấy người” trong Hội đồng Giám định Y khoa theo lời của ông Hà, ngày 7/4, phóng viên Báo KH&ĐS đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Quang Chiến và bà Trần Thị Thiện, đều là Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Nam Định. Tại Buổi làm việc, đại diện Hội đồng Y khoa tỉnh Nam Định cho biết: Hội đồng Giám định Y khoa có 16 người gồm: Chủ tịch Hội đồng Giám định là Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ tịch chuyên môn là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, một Phó Chủ tịch chính sách là Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, 2 người là Ủy viên chính sách gồm Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh, 3 Ủy viên chuyên môn gồm Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng khoa khám bệnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, 1 Ủy viên thường trực là Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh và 6 giám định viên chuyên môn là trưởng hoặc phó các chuyên khoa trong bệnh viện.
Như vậy, với một đội ngũ Hội đồng Y khoa đông đảo, tập hợp nhiều người có chuyên môn sâu tại sao lại không phát hiện bất thường trong các hồ sơ? Có hay không sự “cố tình không biết”? Ông Nguyễn Văn Hà có quan hệ như thế nào với “chốt chặn” Hội đồng Y khoa?... Đó là những câu hỏi được dư luận đặt ra và cần được chính cơ quan chức năng làm rõ.
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Nghĩa Hưng xác nhận: Nghĩa Hưng có trên 1.300 đối tượng hưởng chế độ chất độc màu da cam, số đối tượng ăn theo (con, cháu của người bị nhiễm chất độc hóa học màu da cam) cộng thêm trên 375 đối tượng nữa. Hiện đang có khoảng 600 bộ hồ sơ chờ xét duyệt. Thông tin khoảng 500/600 bộ hồ sơ chờ xét duyệt có bệnh án bị bệnh thần kinh ngoại biên là có thật và Huyện đã báo cáo lên Sở để giải quyết.