Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng (ảnh IT). |
Là nhà nghiên cứu quân sự, ông có nhìn nhận thế nào về việc Trung Quốc và Mỹ tiến hành tập trận ở khu vực Biển Đông?
- Trước hết phải nói Biển Đông có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, là cửa ngõ đi vào 8 nước của khối ASEAN và đi vào Trung Quốc; con đường vận tải biển quốc tế rất lớn đi qua Biển Đông; đường hàng không qua khu vực này cũng chằng chịt. Các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc đều thấy rõ vị trí chiến lược ở Biển Đông.
Việc nước lớn muốn thể hiện siêu cường số 1, số 2 trên thế giới là phải dành thế khống chế Biển Đông. Việc Trung Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn trên vùng Biển Đông (trong vùng biển của Việt Nam) thì Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước ta, gây căng thẳng, bất ổn trong khu vực.
Còn đối với Mỹ, trước hành động như đã nêu trên của Trung Quốc, nước Mỹ cũng muốn khẳng định vị thế của mình bằng cách đưa tàu sân bay, máy bay, các trang thiết bị quân sự hiện đại để tập trận ngay sát nơi Trung Quốc tập trận. Hành động đó của Mỹ nhằm mục đích không để cho Trung Quốc ngang nhiên muốn làm gì thì làm.
Tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng các tàu hộ tống trong bức ảnh chụp ngày 6.7 (theo Daily Mail) |
Nhiều người cho rằng hành động của Mỹ như vậy cũng là ủng hộ Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong việc bảo vệ chủ quyền, ông thấy sao?
- Vấn đề không phải như vậy. Mỹ đến khu vực Biển Đông trước hết họ muốn khẳng định vị trí siêu cường số 1 về quân sự, kinh tế, không để cho Trung Quốc trỗi dậy, đe dọa đến vai trò của Mỹ. Hành động của Mỹ nhằm "dằn mặt" Trung Quốc, khẳng định tầm ảnh hưởng của Mỹ với thế giới nhưng nó cũng trùng với việc chúng ta đang phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền của nước ta.
Nói như vậy để thấy, Mỹ đến Biển Đông và có hành động với Trung Quốc là vì mục đích của họ, không phải đơn thuần để giúp đỡ Việt Nam hay các nước ASEAN trong việc bảo vệ chủ quyền.
Việt Nam chúng ta hoanh nghênh bất cứ nước nào, đặc biệt là nước lớn, có tiếng nói, có hành động để giữ vững hòa bình, ổn định trên khu vực Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng quyền và quyền chủ quyền của các nước. Chúng ta phản đối tất cả các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, của các nước ASEAN; phản đối tất cả các hành động gây căng thẳng, bất ổn trên Biển Đông và khu vực.
Hành động của Trung Quốc và Mỹ đã gây bất ổn và căng thẳng trên khu vực Biển Đông. Trung Quốc diễn tập quân sự trong vùng chủ quyền của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, còn Mỹ cũng tiến hành tập trận gần khu vực Trung Quốc tập trận cũng là hành động gây căng thẳng.
Quân đội của hai quốc gia có hành động như vậy nó tạo ra nguy cơ đụng độ về quân sự, dẫn đến khu vực Biển Đông không được yên bình. Cho nên chúng ta yêu cầu hai bên hết sức kiềm chế, dừng ngay và không để lặp lại các hoạt động gây bất ổn, vi phạm đến chủ quyền của chúng ta và của các nước ASEAN.
Oanh tạc cơ B-52 sau khi tham gia tập trận ở Biển Đông đã quay về hạ cánh tại căn cứ trên đảo Guam (theo Daily Mail). |
- Hành động của Mỹ và Trung Quốc chỉ mang tính "diễu võ giương oai", bởi họ là hai nước lớn, nếu xảy ra xung đột thì trước hết là thảm họa cho hai dân tộc, thảm họa cho toàn khu vực và thế giới. Cả Mỹ và Trung Quốc đều rất rõ điều này, chính vì thế trong các hành động họ đều có tính toán kỹ lưỡng, việc tập trận vừa qua và các tuyên bố của quan chức hai bên để "dằn mặt" lẫn nhau.
Cả Trung Quốc và Mỹ hiện nay đều đang phải đối phó với những khó khăn từ trong nước, nhưng vì sao họ vẫn có hành động mang tính phiêu lưu ở bên ngoài thưa ông?
- Về phía Trung Quốc, khó khăn của họ hiện nay ngoài vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn, nhưng khó khăn hơn nữa là họ đang đối diện với thiên tai, lũ lụt rất lớn trong 70 năm trở lại đây. Còn với nước Mỹ thách thức với họ hiện nay là đại dịch Covid-19 (hiện Mỹ có hơn 3 triệu ca nhiễm Covid-19).
Tuy nhiên có thể thấy, dù trong nước họ có những khó khăn, những thách thức cần giải quyết nhưng hai "ông lớn" này vẫn cứ "diễu võ giương oai". Mỹ thì thể hiện vai trò là cường quốc số 1, còn Trung Quốc thể hiện vùng Biển Đông gần với họ (so với Mỹ) nên Mỹ muốn gây ảnh hưởng ở đây phải dè chừng.
Trung Quốc đang thể hiện vừa có thể vừa chống dịch Covid-19, vừa chống thiên tai lũ lụt, nhưng bên ngoài họ vẫn sẵn sàng đối đầu với Ấn Độ, vừa có hành động để giữ thế thượng phong trên Biển Đông…
Trước hành động của Trung Quốc và Mỹ, các nước trong khu vực sẽ có những khó xử nhất định, ông nghĩ sao?
- Tôi thấy điều này là rất rõ. Các nước bị xâm phạm chủ quyền, muốn phản đối bên nào cũng khó. Có thể thấy đây là vấn đề khó xử trong mối quan hệ quốc tế khi lợi ích và các vấn đề có tính đan xen. Vấn đề thứ hai, nói hành động của hai "ông lớn" là "diễu võ giương oai" nhưng không biết rủi ro của hành động này sẽ thế nào, chỉ cần sơ suất một chút là dẫn tới đụng độ.
Mặc dù Chính phủ của Mỹ và Trung Quốc đều hiểu và có toan tính về mức độ cho hành động của mình, không thể để xảy ra đụng độ, nhưng chỉ sơ suất một chút là rất nguy hiểm, bởi đây là trò chơi với lửa.
Các nước ASEAN cần phải đoàn kết, có tiếng nói mạnh mẽ để phản đối hành động của Trung Quốc và Mỹ trên vùng Biển Đông. Khối ASEAN cần thể hiện thái độ để Trung Quốc và Mỹ phải kiềm chế hành động của họ, không gây phức tạp thêm và đặc biệt không được lặp lại.
Xin cảm ơn Thượng tướng (!)