Theo tờ Independent (Anh), thông báo được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu giao hàng tại nhà tăng vọt khi các quốc gia trên thế giới ban bố lệnh phong toả nhằm hạn chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Máy bay không người lái giao hàng có thiết kế cánh cố định cho phép di chuyển với vận tốc 240km/h. Kết cấu cánh quạt nghiêng cũng giúp máy bay có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng để giao hàng hóa chính xác đến bất kỳ địa điểm nào, dù là không gian nhỏ.
Máy bay không người lái của hãng UPS được phát triển để cung cấp vật tư y tế và bưu kiện thực phẩm và có phạm vi hoạt động lên tới 120 km, xa hơn đáng kể so với máy bay không người lái đa thương mại.
Là một trong những công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới, UPS khẳng định máy bay không người lái có thể được triển khai rộng rãi trên khắp nước Mỹ và hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ.
“Hợp tác với UPS, chúng tôi mong muốn mở rộng cơ hội phát triển dịch vụ giao hàng trọn gói tốc độ cao bằng máy bay không người lái. Tầm nhìn mà chúng tôi hướng đến là tận dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống của con người trên khắp thế giới”, ông Tom Plummer, CEO của Wingcopter nói.
Các công ty vận chuyển bằng máy bay không người lái đã được đầu tư hơn 300 triệu USD từ năm 2012, tuy nhiên, các quy định hàng không nghiêm ngặt khiến máy bay không người lái không thể phát huy tác dụng ở bất kỳ quy mô lớn nào.
Công ty khởi nghiệp Đức đang hợp tác với UPS để phát triển máy bay không người lái thương mại tốc độ cao. Ảnh: UPS |
Công ty vận tải UPS đã đạt được một bước tiến lớn để hiện thực hóa điều này khi đơn vị phân phối máy bay không người lái Flight Forward của hãng nhận được sự chấp thuận từ Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trong tháng 10 với mục tiêu vận hành một "hãng hàng không không người lái" quy mô lớn.
“Giao hàng bằng máy bay không người lái không phù hợp với tất cả các đối tượng. Sự hợp tác với Wingcopter lần này sẽ mở đường cho chúng tôi phát triển dịch vụ giao hàng nhanh bằng thiết bị bay không người lái hướng đến nhiều đối tượng mới. Flight Forward của UPS đang xây dựng một mạng lưới các đối tác công nghệ nhằm mở rộng khả năng phục vụ khách hàng và khả năng điều hành máy bay giao hàng không người lái", ông Bala Ganesh, phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ tiên tiến UPS.
Vận chuyển không người lái cũng đã được các hãng khổng lồ công nghệ như Amazon và Google áp dụng, mặc dù cho đến nay chỉ ở quy mô hạn chế.
Năm ngoái, công ty khởi nghiệp Wingcopter do Google tài trợ đã bắt đầu giao hàng tại Canberra, Australia tới khoảng 100 khách hàng. Amazon cũng đang hy vọng có thể vận chuyển hàng hoá cho khách hàng trong vòng 30 phút kể từ khi nhận được đơn đặt hàng thông qua chi nhánh máy bay không người lái Prime Air.
Phân tích gần đây của ngành công nghiệp giao hàng bằng máy bay không người lái dự đoán rằng thị trường máy bay không người lái sẽ tăng lên hơn 43 tỷ USD trong vòng 4 năm tới. Trong đó, vận chuyển bằng máy bay không người lái được coi là ứng dụng tăng trưởng nhanh nhất trong thị trường này.