Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ngày 4/11 cho biết ông đã gặp gỡ lãnh đạo các nước ASEAN và thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có trang chấp trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh đây là "một vấn đề quan trọng đối với Mỹ".
Washington vào tháng 8 cũng cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn các quốc gia trong khu vực tiếp cận dự trữ dầu mỏ và khí đốt trị giá đến 2.500 tỷ USD tại Biển Đông. Mỹ cũng lên án các hành động quấy rối của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp của Việt Nam.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) ngày 4/11, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan ở Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien nhấn mạnh Mỹ không tán thành hành động "đe dọa" của lực lượng dân quân biển, hải quân và hải cảnh của Trung Quốc nhắm vào những nước khác trong khu vực.
"Chúng tôi cho rằng các quốc gia cần hòa hợp với nhau. Họ cần sử dụng con đường tài phán nếu có vấn đề nảy sinh", đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump nhận định.
Ông đề cập đến vụ kiện của Philippines thông qua tòa trọng tài nhằm bác bỏ bản đồ "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Ông kêu gọi Việt Nam, đặc biệt là các chuyên gia hàng hải, tham khảo hành động của Philippines, theo Nikkei Asian Review.
Phản ứng trước tuyên bố của Bắc Kinh rằng những bên không có tranh chấp tại Biển Đông cần kiềm chế không can thiệp vào vấn đề, quan chức Nhà Trắng nói Mỹ không gây rối nhưng vẫn là một "nhân tố then chốt trong khu vực".
Ông Robert O'Brien, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần 7 tại Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
Ông Robert O'Brien cũng thông báo Mỹ, Nhật Bản và Australia ngày 4/11 bắt đầu triển khai chương trình "Blue Dot Network" (Mạng lưới Chấm Xanh). Chương trình sẽ đánh giá các dự án cơ sở hạ tầng để Washington cùng đồng minh cân nhắc đầu tư.
Ông gián tiếp đề cập đến Trung Quốc khi bày tỏ lo ngại "có quá nhiều cơ sở hạ tầng" trong khu vực đang thiếu chất lượng và tính minh bạch. Ông cảnh báo nhiều quốc gia đang bị đưa vào "bẫy nợ", một cụm từ mà các quan chức Mỹ thường xuyên sử dụng để chỉ trích mô hình cho vay của Trung Quốc.
"Những dự án cơ sở hạ tầng nhận được chấm xanh đồng nghĩa rằng dự án đó đảm bảo được tính minh bạch, có chất lượng và thích hợp để tất cả các bên từ người bán, tài chính, nhà thầu, thi công và các chính phủ cùng tham gia", ông mô tả.