Tìm giải pháp chống ùn tắc
Ngày 13/1, tại buổi gặp mặt lãnh đạo TPHCM để nghe góp ý của kiều bào trong các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội. Nói về thực trạng và giải pháp chống tắc nghẽn giao thông, GS.TS Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật Bản) - cố vấn Đại học Quốc gia TPHCM - đã hiến kế để TP giảm tải tắc nghẽn.
“Chỉ có cách bắt buộc mọi chủ sở hữu ô tô phải có bãi đậu xe mới có thể làm cho họ rõ trách nhiệm với việc sử dụng đường bộ cho giao thông chứ không phải xe mình muốn đậu ở đâu cũng được”, GS.TS Đặng Lương Mô nói.
Trên thực tế chính quyền đang không kiểm soát được những bãi trông xe dù |
Cụ thể, theo ông Mô, Luật Giao thông đường bộ Nhật quy định chủ sở hữu ô tô phải có bãi đậu và xe không chạy bắt buộc phải đậu tại bãi. Do vậy, ai có dự định mua ô tô đều phải xuất trình giấy chứng nhận có bãi đậu xe có mái che đàng hoàng.
Giấy chứng nhận này phải do sở cảnh sát địa phương, sau khi kiểm tra hiện trường, cấp cho người mua xe. Các công ty bán lẻ ô tô không bán xe cho những người chưa có giấy chứng nhận. Nếu nhà người mua xe không đủ rộng để có diện tích làm bãi đậu xe thì phải thuê chỗ để xe do tư nhân kinh doanh.
Cũng góp ý giảm ùn tắc giao thông, KTS Phan Tấn Lộc (kiều bào Pháp) đề xuất TPHCM chuyển đổi cơ cấu tổ chức lãnh thổ theo hướng đa trung tâm bằng cách xác định thêm những trung tâm khác phù hợp hơn với địa giới hành chính TP.
Ngoài ra, ông Lộc đề xuất giải pháp trước mắt, TP cần mở thêm đường bằng cách lấy những con hẻm (liên thông) đầu tư thành những tuyến đường đúng nghĩa. Trong đó, ưu tiên chỉnh trang đô thị hơn là mở rộng các trục đường chính để giảm chi phí đầu tư.
“Việc chuyển đổi cần lộ trình và thời gian. Cụ thể, TP cần có lộ trình điều tra, thu thập thông tin về dân số, công việc, thói quen đi lại, mua sắm... của người dân. Từ đó tìm kiếm những điểm bất cập cũng như nhu cầu cấp bách về giao thông của TP. Tiếp đó mới có lộ trình quy hoạch những trung tâm mới”, ông Lộc nói.
Nhiều giải pháp mà vẫn... nham nhở
TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, đề xuất phải có chỗ đỗ xe mới được mua xe là một giải pháp mới nghe có vẻ hay nhưng lại không khả thi bởi tính áp đặt cao, tính dân chủ thấp. Tôi có tiền, tôi có quyền mua xe mà không ai có thể can thiệp được.
Chỉ cần tôi không làm gì trái pháp luật, tham gia giao thông đúng luật, không uống rượu bia khi lái xe, đăng kiểm đúng thời hạn... Do đó, đây chỉ là một ý kiến dùng để tham khảo chứ không áp dụng được. Không nên làm theo kiểu không quản được thì cấm.
Đường sá chật chội, ùn tắc, sau bao nhiêu năm quy đinh về việc xây dựng các bãi đỗ xe, phát triển giao thông công cộng mà đến nay vẫn nham nhở, không đâu vào đâu. Hết đề xuất cấm xe máy, giờ lại đến phải có chỗ đỗ mới được mua ô tô.
“Không nên đặt ra điều kiện đó, vì nó chẳng khác gì hạn chế người dân mua ô tô. Hiện nay, lượng ô tô ở Hà Nội với 80 vạn xe, TPHCM có 90 vạn xe, trong khi Băng Cốc (Thái Lan) có đến 5 triệu ô tô mà họ không cấm xe.
Không nên chống ùn tắc bằng mọi giá mà phải tính đến quyền lợi, mong muốn của người dân. Khi họ mua xe và đóng thuế đầy đủ, đi đường đúng pháp luật, không uống rượu bia khi lái xe... thì họ có quyền thụ hưởng thành quả họ làm ra.
Cái này cũng giống như việc cấm xe máy là không thể, bởi xe máy là phương tiện kiếm sống của rất nhiều người, phương tiện đi lại chính của hàng triệu người, cấm thì đi bằng cái gì? Trong khi giao thông công cộng rất yếu kém như thế thì lại không đặt vấn đề giải quyết. Làm chính sách, phải lấy quyền lợi của người dân làm trung tâm chứ không phải thành tích làm trung tâm”, TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, không phải là bế tắc. Các giải pháp phải làm được cụ thể như hạ tầng giao thông cần tốt lên, đường sá phải thông thoáng, rộng rãi.
Giao thông công cộng đang yếu kém, mới đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân, nên cần được đầu tư bài bản, phát triển đúng tầm. Việc quản lý cần được nâng lên một bước, tránh tình trạng không quản được thì cấm. Áp dụng giao thông thông minh, tiến hành quy hoạch giãn dân bằng cách xây dựng các thành phố vệ tinh. Thứ năm là nâng cao ý thức của người dân.
Yếu tố ý thức của người dân đưa vào cuối cùng bởi phải có hạ tầng giao thông tốt, phương tiện công cộng phát triển, thì ý thức giao thông mới tăng cao lên được.