Muốn biết đức vơi đầy, hãy nhìn chữ Nhẫn
Muốn biết một người có đức hạnh hay không thì nhìn xem người ấy có khả năng nhẫn không. Chữ “Nhẫn” hàm chứa ý vị sâu xa, nội dung bao phủ cũng rất toàn diện. Phải nhẫn điều gì đây? Ví như đối diện với lợi ích trước mắt bạn có thể nhẫn mà không tham không, thấy lợi thì có nghĩ tới nghĩa hay không? Nếu không phù hợp với đạo nghĩa thì bạn có thể nhẫn được mà không tranh giành hay không? Đây chính là biểu hiện của đức hạnh.
Khi diện kiến mỹ sắc, bạn có thể nhẫn mà không tham luyến ái dục, không phóng túng hành vi của mình hay không? Đây cũng là biểu hiện của đức hạnh.
Có người phỉ báng, không hiểu bạn, phê bình bạn, oán hận bạn, bạn có thể nhẫn mà không tranh biện với họ hay không? Bạn có thể không đả kích, báo thù, không kéo bè kéo cánh không? Đây cũng là biểu hiện của đức hạnh.
Vậy nên cổ nhân mới nói rằng: “Mọi pháp đều đắc được nhờ nhẫn”, tức là xem bạn gặp lúc khó nhẫn có thể nhẫn được hay không. Khi nghèo khó bạn có thể nhẫn chịu được cuộc sống bần hàn, tự lực tự cường mà gây dựng tương lai sau này hay không? Khi gặp chuyện như ý, khi được người người mến yêu, liệu bạn có thể nhẫn được mà không sinh tâm hoan hỷ, không tham luyến ái hay không? Đây cũng là biểu hiện đức hạnh của một người.
“Quan phúc ư lượng”, muốn xem một người có phúc khí hay không, sau này có phát triển không, chỉ cần xem tâm của họ có rộng lượng hay không. Người xưa có câu: “Lượng đại phúc đại”, nghĩa là tấm lòng đại lượng thì được phúc lớn.
Trong “Liễu phàm tứ huấn” giảng rằng, khi còn trẻ con đường quan lộ của Viên Liễu Phàm không thuận lợi lắm. Sau này ông tự phản tỉnh bản thân thì nhận ra rằng mình không thể dung nạp được người khác. Ông thường cho rằng người khác không xứng đáng và đã làm rất nhiều việc có lỗi với mình. Ông không thể khoan dung và tha thứ cho người khác là do tấm lòng không đủ độ lượng.
Tóm lại, cổ nhân có rất nhiều cách quan sát con người. Muốn quan sát đức hạnh của một người, điều quan trọng là cần suy ngẫm một cách toàn diện.
Con người sinh ra như tờ giấy trắng, sống thiện thì thành người thiện, sống ác thì thành người ác. Bởi vậy, Phật dạy phải tu tâm hàng ngày hàng giờ để sửa mình, cố gắng trở thành người thiện, tu được nghiệp lành.
Người ta đấu đá, tranh giành, so bì, tị nạnh lẫn nhau, rút cuộc là vì thứ gì. Bởi đời người ngắn lắm, mấy chục năm tưởng dài mà trôi nhanh như cái chớp mắt. Về với cát bụi rồi, thứ mang theo chỉ có Tội hoặc Phúc.
Muốn hết bất an, muốn được thanh thản, phương pháp tốt nhất chính là tạo phúc, tự mình gia tăng phúc khí của bản thân. Mà Phật dạy, hành thiện tích phúc, nghiệp lành đời đời. Chăm làm điều thiện, tránh xa điều ác thì không cầu phúc cũng tự đến.