Tờ DW của Đức trích dẫn các chuyên gia trong lĩnh vực thời tiết cho biết, "mùa bùn" sẽ không thể sớm kết thúc ở Ukraine trong thời gian ngắn sắp tới. Điều này khiến cả Nga và Ukraine khó có thể tổ chức những cuộc hành tiến quy mô lớn trên bộ, với sự tham gia của nhiều loại phương tiện thiết giáp nặng nề và cồng kềnh.
Cựu quân nhân - chuyên gia khí tượng của Không lực Mỹ - ông David Helms trả lời tờ DW và nhận xét rằng, Ukraine chỉ có thể tổ chức phản công lớn sau khi "mùa bùn" kết thúc. Và câu hỏi mà cả giới chức Ukraine lẫn NATO đang đặt ra hiện tại là "tới khi nào mùa bùn mới kết thúc".
|
Thiết giáp Nga "chìm" trong bùn lầy ở Ukraine. Ảnh: CNBC. |
"Mùa bùn" hay còn có tiếng Nga là "Rasputitsa" - đây là một "mùa" đặc biệt thường xuất hiện ở các nước Đông Âu. Sau khi mùa đông qua đi, băng tuyết tan dần ra sẽ khiến mặt đất trở nên nhão nhoét và cực kỳ khó di chuyển. Về cơ bản, các con đường đất sẽ trở thành "tử địa" cho mọi lực lượng thiết giáp vào mùa bùn.
Quân đội Đức quốc xã nổi danh với đoàn thiết giáp bất khả chiến bại khắp châu Âu đã từng phải chật vật đối đầu với những con đường bùn lầy trải dài hàng nghìn kilomets ở Đông Âu khi tấn công vào Liên Xô. Sau hơn 70 năm, dù điều kiện đường xá ở Ukraine đã được cải thiện rất nhiều, nhưng thực tế thì mùa bùn vẫn không phải là thời điểm thích hợp cho việc tiến quân, nhất là với lực lượng tăng thiết giáp.
|
Đoàn thiết giáp bất khả chiến bại của Đức quốc xã chịu thua trước bùn lầy ở Ukraine thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hơn ai hết, cả Nga và Ukraine đều biết rõ "sức công phá" của bùn lầy ở Đông Âu. Ảnh: EB. |
Tờ DW của Đức cho biết, thông tin về cuộc phản công quy mô lớn của Ukraine đã được Kiev nhắc tới từ cách đây nhiều tháng. Một loạt các loại phương tiện thiết giáp hiện đại bao gồm xe tăng Leopard 2 và xe tăng Challenger 2 đã được các nước NATO chuyển tới cho Ukraine.
Nhiều thông tin cho rằng, các xe tăng hiện đại này sẽ được Kiev sử dụng cho chiến dịch phản công đặc biệt sắp diễn ra. Tuy nhiên, đây đều là loại phương tiện chiến đấu có trọng lượng khá cồng kềnh.
Cụ thể, xe tăng Leopard 2 có trọng lượng lên tới 62 tấn, trong khi đó chiếc Challenger 2 của Anh còn "nhỉnh" hơn đôi chút với trọng lượng lên tới 64 tấn. Việc xoay sở trong điều kiện thời tiết bùn lầy ở Ukraine vào thời điểm hiện tại là điều quá khó khăn, ngay cả với những chiếc xe tải hạng nhẹ, chứ chưa nhắc tới những cỗ máy thiết giáp có trọng lượng trên 60 tấn này.
|
Dù có trọng lượng chỉ hơn 40 tấn, xe tăng T-90 và T-72 cũng khó có thể vượt qua địa hình bùn lầy ở Ukraine. |
Trong khi đó, xe tăng chủ lực T-90 của Nga có trọng lượng chỉ 46 tấn. Mẫu xe tăng này có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn đáng kể so với các loại xe tăng của NATO, cho phép chúng hoạt động tốt hơn trong điều kiện đường xá không lý tưởng.
Ngoài ra, việc sử dụng các loại xe tăng do NATO viện trợ với trọng lượng quá lớn, cũng khiến quân đội Ukraine phải vất vả tính toán đường đi với những cây cầu đủ khả năng chịu tải, hoặc thực hiện vượt sông với nhiều công đoạn chuẩn bị phức tạp hơn nhiều.
Chuyên gia khí tượng David Helms cho rằng, các phương tiện quân sự hoạt động ở Ukraine cần được xem xét kỹ lưỡng về tải trọng, bao gồm cả tự trọng lẫn khả năng vận tải, để đảm bảo rằng chúng sẽ không bị mắc kẹt trong đám bùn lầy dày tới 20 cm ở miền Đông Ukraine.
Với thời tiết khá lý tưởng cho lực lượng không quân hoạt động, chưa kể một số lượng rất lớn máy bay không người lái được cả hai bên đưa vào tham chiến, bất cứ chiếc chiến xa nào bị mắc kẹt trong bùn lầy ở Ukraine, đều có thể trở thành mục tiêu dễ dàng cho không quân đối phương.