Một tuần không Facebook, tôi được và mất gì?

Mỗi ngày tôi mất 3 giờ để sử dụng Facebook trên điện thoại suy ra mỗi năm tôi mất gần 2 tháng cho ứng dụng này. Vì thế tôi quyết định "cai nghiện Facebook".

Tôi là nhân viên văn phòng, 24 tuổi, sử dụng Facebook được 8 năm với duy nhất một tài khoản. Tất cả mối quan hệ xung quanh tôi đều được duy trì bởi Facebook, kể cả việc gọi điện nhắn tin cho mẹ tôi ở nhà. Bạn bè, công việc, các mối quan hệ khác cũng vậy, đều trên nền tảng Facebook. Có đôi lúc tôi không lưu số điện thoại mới chỉ vì có Facebook của họ.
Mỗi tuần mất 1 ngày dùng Facebook
Trong một lần bị ai đó sử dụng công cụ tố cáo tài khoản của Facebook cho rằng tôi là giả mạo khiến tôi bị khóa tài khoản. Tôi ngay lập tức gửi mail yêu cầu Facebook hỗ trợ lấy lại tài khoản. Rất may, chỉ sau một ngày mọi thứ quay lại bình thường. Nhưng trong 24 giờ đó, tôi thật sự khủng hoảng và đặt ra câu hỏi "Tại sao chỉ là một ứng dụng lại khiến mình khủng hoảng như vậy? Tại sao mình và mọi người xung quanh lại phụ thuộc vào nó như vậy?".
Sau khoảng thời gian tồi tệ đó, tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn về thói quen sử dụng Facebook của mình. Nó không đơn thuần là một ứng dụng, nó chiếm hết quỹ thời gian của tôi.
Theo tính năng thống kê thời lượng sử dụng ứng dụng trên iOS, tôi phát hiện mình mất khoảng 2 giờ sử dụng Messenger, 57 phút lướt Facebook trên điện thoại mỗi ngày. Đó là chưa kể thời gian tôi sử dụng Facebook trên máy tính. Tôi có thể tự nhận mình là một "con nghiện Facebook" tiêu biểu.
Facebook chiếm của tôi khoảng 3 giờ mỗi ngày.
 Facebook chiếm của tôi khoảng 3 giờ mỗi ngày.
Như vậy tôi mất 3 giờ mỗi ngày, gần 01 ngày mỗi tuần và gần 2 tháng mỗi năm. Tôi quyết định thử từ bỏ Facebook. Mọi chuyện sẽ rất khó khăn nhưng chắc chắn tôi sẽ chủ động hơn so với việc bị khóa tài khoản hay thậm chí là viễn cảnh một ngày nào đó Facebook bất ngờ biến mất khỏi App Store.
Khó khăn bắt đầu ngay từ thao tác đầu tiên, Facebook sử dụng mọi cách để níu giữ người dùng. Mạng xã hội này sẽ thông báo cho tôi về những nội dung, hình ảnh sẽ biến mất khỏi Facebook. Tiếp đến Facebook đánh vào cảm xúc. Họ thuyết phục rằng những người tôi thường xuyên liên lạc sẽ nhớ tôi. Và cuối cùng là buộc tôi cung cấp một vài lý do từ bỏ.
Nếu tôi chọn vào mục "Đây là hành động tạm thời..." Facebook sẽ hiện ra mục chọn ngày tự động kích hoạt lại tài khoản. Tóm lại họ giải quyết nhiệt tình tất các các vấn đề nếu tôi muốn kích hoạt lại. Nếu như việc tạo tài khoản chỉ mất vài bước đơn giản thì khóa tài khoản thật nhiêu khê.
Facebook nhắc tôi rằng sẽ có rất nhiều người nhớ tôi.
 Facebook nhắc tôi rằng sẽ có rất nhiều người nhớ tôi.
Ngoài ra, khóa tài khoản và dừng sử dụng Messenger là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tôi phải chọn vào mục khóa luôn ứng dụng nhắn tin mới thực sự thoát khỏi "vòng tay" mạng xã hội này.
Trước khi đóng hoàn toàn Facebook, tôi nhắn cho một số người thân thiết, vài mối quan hệ công việc để thông báo về sự biến mất của mình trên Facebook.
Sau khi đóng thành công khoảng năm phút, tay chân tôi bắt đầu "ngứa ngáy", tôi đã mở Zalo như một giải pháp khác thay thế, tôi nhận ra mình cần tính năng nhắn tin của Facebook.
Khoảng 1-2 giờ sau đó, tôi mở ứng dụng Facebook và Messenger trong vô thức, như một thói quen khó bỏ. Vì vậy tôi quyết định xóa hai ứng dụng trên khỏi điện thoại của mình.
3 giờ sau khi đóng Facebook, tôi bắt đầu ngồi nói chuyện nhiều hơn với những người thân trong gia đình. Ngoài ra tôi mở ứng dụng đọc báo ra xem vì thật sự tôi "đói" thông tin từ thế giới xung quanh. Trước đây tôi thường dùng Facebook để cập nhật tin tức, mặc dù không ít những tin trong số đó là giả mạo, chưa được kiểm chứng.
Đôi lúc, tôi hỏi em trai tôi về những gì đang xảy ra trên Facebook. Khi nhận được câu trả lời "không có gì xảy ra" tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn không tin câu trả lời của em mình, vì hàng giờ, hàng phút Facebook đều cập nhật những thứ hay ho, những video hài hước, những tin tức nóng hổi.
Tôi quyết định đi ngủ sớm. Tôi đem theo điện thoại lên giường như mọi ngày. Lần này chiếc điện thoại thật chẳng có gì để hấp dẫn tôi, không Facebook, không Messenger. Nhưng thật may mắn khi tôi phát hiện ra YouTube, tôi xem video 30 phút trước khi chìm vào giấc ngủ.
Cơn nghiện chia sẻ
Tôi thường bắt đầu buổi sáng bằng việc kiểm tra email, tiếp theo là Facebook. Nhưng hôm đây tôi thay Facebook bằng ứng dụng đọc báo. Lướt từng trang thông tin nhưng thật sự tôi nhớ cảm giác lướt Facebook.
Trong lúc uống cà phê sáng, tôi chụp lại khung cảnh tại quán, rất đẹp. Bất giác tôi tự hỏi, "chụp xong tôi sẽ đăng nó lên đâu?". In ấn để chia sẻ đã trở nên bất tiện và thiếu đi sự tương tác từ khi Facebook xuất hiện.
Người dùng có thể chụp và đăng tải ngay hình ảnh đó, tiếp theo là ngồi đếm những lượt tương tác, phản hồi ngay bằng bình luận. Đây thật sự là một thú vui, đặc biệt là với những người yêu thích chụp ảnh như tôi. Nhu cầu chia sẻ là rất cao. Một số ứng dụng khác cũng đáp ứng được nhu cầu này tuy nhiên không mạnh mẽ như Facebook...
Trên Facebook có nhiều người hơn.
Vào buổi trưa, tôi nhận được cuộc gọi đầu tiên từ một người bạn, hỏi về lý do người này không thể nhắn tin được cho tôi. Phút chốc tôi thấy vui vì có người nhớ đến mình sau khi biến mất khỏi mạng xã hội.
Ông chủ của "thế giới ảo" sống rất "thật". Ảnh: Facebook Mark Zuckerberg.
 Ông chủ của "thế giới ảo" sống rất "thật". Ảnh: Facebook Mark Zuckerberg.
Không giải quyết được một số nhu cầu giải trí có thể khó chịu nhưng vẫn không thực sự ảnh hưởng bằng những khó khăn khi giao tiếp trong công việc mà tôi gặp phải. Những thông tin từ nhóm chat, nhóm công việc, các trang của công ty hay lịch họp tôi đều phải nhờ đồng nghiệp cập nhật giúp. Việc gửi một liên kết hay hình ảnh cho ai đó gặp khó khăn rất nhiều.
Sau giờ tan ca, tôi định đi nghe nhạc, tôi thật sự không muốn về nhà vì khi ở một mình tôi thường dùng Facebook. Một số phòng nhạc chỉ cập nhật lịch diễn qua Facebook. Quán tôi định đến cũng vậy, vì thế tôi quyết định đi uống cà phê.
Buổi tối, tôi đi cà phê với một người bạn để khuây khỏa. Trong buổi nói chuyện, tôi có kể về một số nơi tôi đã đến du lịch và định mở hình cho người đó xem. Nhưng tôi chợt nhớ ra, hình ảnh của tôi trong 8 năm qua đều được lưu trữ trên Facebook.
Nhiều lần đổi máy tính, hỏng ổ cứng nên Facebook là nơi lưu trữ đầy đủ nhất về những chuyến đi của tôi. Nếu muốn chia sẻ với ai đó những bức ảnh trên, tôi buộc phải dùng lại Facebook. Tôi vẫn còn nhớ câu nói đầu tiên khi tôi bị khóa Facebook là "thôi mất hết hình rồi". Thật sự Facebook quá mạnh mẽ để ai đó có thể chủ động từ bỏ.
Bên cạnh đó một vài ứng dụng như Tinder, Grab, Baomoi... đăng nhập bằng tài khoản Facebook cũng yêu cầu tôi phải đăng nhập lại. Tôi nhận thấy Facebook không chỉ ảnh hưởng trên ứng dụng của họ mà còn tạo nên một hệ sinh thái ứng dụng liên kết với nhau khác, giúp mọi thứ tiện lợi hơn.
Nhưng... Facebook không quan trọng như tôi nghĩ
Cai Facebook cũng tương tự cai thuốc lá. Cần tránh tiếp xúc mới những môi trường, những điều khiến mình nhớ đến nó. Cách tốt nhất là làm cho mình bận rộn bởi một cuốn sách hay một công việc gì khác. Khó khăn nhất chính là cuối tuần, khi thời gian rảnh khá nhiều. Nếu không tìm cho mình một thứ gì đó hay ho để trải nghiệm chắc chắn Facebook sẽ đốt hai ngày của bạn nhanh chóng.
Những ngày sau đó, tôi có nhiều thời gian hơn để nhìn mọi thứ xung quanh. Tôi không lướt Facebook khi chờ thang máy, khi ăn cơm ở căng tin, khi chờ đợi ai đó và cả khi đi vệ sinh. Nhưng việc tiết kiệm được 3 giờ mỗi ngày giúp cuộc sống tôi trở nên thoải mái hơn, cảm nhận mọi thứ xung quanh một cách chân thật nhất, trải nghiệm mà lâu rồi tôi quên mất. Buổi tối tôi không còn ôm khư khư điện thoại nữa. Tôi ngủ sớm hơn.
Vài ngày như thế trôi qua, ngoài khó khăn giao tiếp trong công việc ra thì gần như tôi quen với việc sống không có Facebook. Tôi cảm nhận được mình đã "cai" được Facebook.
Tôi quyết định mở lại Facebook. Thao tác này cực kỳ đơn giản, chỉ cần nhập số điện thoại và mật khẩu, tài khoản của tôi đã trở lại.
Một tuần "cai" Facebook, tôi có thời gian quan sát xung quanh nhiều hơn. Tôi thấy những người xung quanh mình dành quá nhiều thời gian cho Facebook.
 Một tuần "cai" Facebook, tôi có thời gian quan sát xung quanh nhiều hơn. Tôi thấy những người xung quanh mình dành quá nhiều thời gian cho Facebook.
Trong mục tin nhắn tôi có 10 thông báo. Chủ yếu là từ những nhóm chat công việc, nhóm bạn. Khi tôi khóa Facebook, chẳng ai có thể nói gì được với tôi, nếu việc đó thật sự gấp họ sẽ gọi cho tôi, tôi nghĩ vậy.
Còn về phần thông báo thì tất cả chẳng liên quan gì đến tôi. Đa phần là từ những trang, nhóm mà tôi từng tham gia, những lời mời thích trang, mời chơi game. Khi khóa tài khoản, không ai có thể tag, bình luận, thích, hay chia sẻ bất cứ thông tin gì liên quan tới tôi. Đó mới thực sự là những thứ tôi quan tâm chứ không phải những thông báo sáo rỗng kia. Tóm lại, đóng tài khoản một tuần tôi cảm thấy Facebook không đáng để mất thời gian quá nhiều.
Đừng "lướt nhảm"
Tuy nhiên bản thân tôi không muốn chống lại sự phát triển. Rõ ràng Facebook đã giúp ích cho cuộc sống này rất nhiều. Việc tôi cần làm là tối ưu nhất thời gian sử dụng. Mấu chốt của vấn đề là thói quen "lướt". Tôi nhận ra thời gian sử dụng Facebook vô nghĩa nhất khi tôi lướt lúc rảnh rỗi.
Tôi phát hiện Facebook có gần như mọi thứ chúng ta cần, gọi điện, mua hàng, chơi game, đọc thông tin. Mọi thứ đủ để giữ tôi ở lại ứng dụng càng lâu càng tốt, từ lúc tôi rảnh đến khi tôi bận. Vì thế thói quen lướt sẽ khiến tôi không thể ngẩng đầu lên khỏi chiếc smartphone được.
Với tôi giờ đây, Facebook là để lưu trữ những hình ảnh tôi muốn chia sẻ với bạn bè và tôi chỉ trả lời bình luận của họ vào cuối tuần. Bên cạnh đó tôi dùng Facebook để tìm kiếm một vài thông tin, nhắn tin với bạn bè.
Từ bỏ thói quen lướt nhảm giúp tôi chỉ mất 6 giờ cho Facebook mỗi tuần. Đây thật sự là kết quả mà tôi mong đợi.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Cận cảnh Honda CBR1000RR-R Fireblade 2025 tiền tỷ

Cận cảnh Honda CBR1000RR-R Fireblade 2025 tiền tỷ

Tham gia triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) 2024 khai mạc vào sáng ngày 23/10, Honda Việt Nam bên cạnh giới thiệu phiên bản nâng cấp của dòng xe Civic với khách hàng trong nước, còn tung ra chiếc siêu môtô Honda CBR1000RR-R Fireblade 2025 mới.
Chi tiết xe chạy điện Skoda Enyaq iV

Chi tiết xe chạy điện Skoda Enyaq iV

Tại VMS 2024, thương hiệu ôtô tới tới CH Séc Skoda đã mang tới trưng bày và giới thiệu khá nhiều mẫu xe đáng chú ý và một trong số đó là mẫu CUV thuần điện mang tên Skoda Enyaq iV 2025 mới.
Chi tiết Toyota Camry 2025 đầu tiên về Việt Nam

Chi tiết Toyota Camry 2025 đầu tiên về Việt Nam

Chiếc xe sedan cỡ D - Toyota Camry 2025 mới được nhập về Việt Nam để phục vụ cho việc trưng bày cũng như ra mắt các khách hàng tại triển lãm Vietnam Motor Show 2024 diễn ra vào ngày hôm nay 23/10.
Xe ga Suzuki US125 2024 giá chỉ 35,6 triệu đồng

Xe ga Suzuki US125 2024 giá chỉ 35,6 triệu đồng

 Thương hiệu Jinan Qingqi Suzuki tại Trung Quốc vừa cho ra mắt mẫu xe tay ga mang tên Suzuki US125T 2024 mới. Về ngoại hình, xe nổi bật với phong cách retro hoài cổ kết hợp cùng công nghệ hiện đại khá giống với những chiếc Piaggio Vespa.