Khoảng 17h ngày hôm qua (24/4) anh Lê Văn Ngầy (SN 1970, quê ở Khánh Hòa), là công nhân của Công ty Nibelc (trụ sở đóng ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tử vong. Anh Ngầy là thợ lặn ở Vũng Áng làm việc dưới biển để thi công xây dựng đê chắn sóng cảng Sơn Dương, Formosa.
Theo một thợ lặn cho biết, sau khi đi làm về từ dự án Formosa, anh Ngầy thấy khó thở, mệt mỏi nên được Công ty Nibelc đưa đi khám. Sau đó anh Ngầy về ký túc xá của Công ty ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để nghỉ ngơi chờ thứ hai (25/4) đi khám lại. Tuy nhiên, đến 17h chủ nhật (24/4) thì anh Ngầy tử vong.
Sau tôm cá, đến lượt thợ lặn ở Vũng Áng - Formosa tử vong.
|
Xác nhận với phóng viên, một bác sỹ Bệnh viện Thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) cho biết, anh Ngầy đã tử vong trước khi đưa đến bệnh viện.
Anh T., em trai anh Ngầy cho biết, gia đình không muốn khám nghiệm tử thi và muốn đưa thi thể anh Ngầy về Khánh Hòa ngay trong đêm. Tuy nhiên, cơ quan công an không cho, yêu cầu phải khám nghiệm tử thi để điều tra, làm rõ nguyên nhân anh Ngầy tử vong.
Gia đình, đồng nghiệp thợ lặn Lê Văn Ngầy chờ đợi bên ngoài phòng khám nghiệm tử thi. |
Cơ quan công an đã tiến hành khám nghiệm tử thi vào khoảng 23h đêm 24/4, sau đó bàn giao thi thể anh Ngầy cho gia đình để đưa về quê mai táng theo phong tục địa phương. Do mới khám nghiệm tử thi đêm qua (ngày 24/4), nên vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Cũng vào đêm hôm qua, khoảng hơn hai mươi công nhân của Công ty Nibel có mặt tại Bệnh viện thị xã Ba Đồn, Quảng Bình để tiễn đưa công nhân Lê Văn Ngầy về quê mai táng. Theo lời các thợ lặn, thời gian gần đây, trùng vào thời điểm cá chết hàng loạt, một số thợ lặn khi lên bờ cảm thấy tức ngực, khó thở, thậm chí là người ngứa bất thường. Trao đổi với PV Giao thông, nhiều thợ lặn làm việc ở cảng Sơn Dương 2- 3 năm cũng cảm nhận được sự khác biệt của nước biển thời gian gần đây so với năm ngoái.
Hiện PV vẫn chưa thể liên lạc được phía công ty Nibelc, vì lãnh đạo đang “đi vắng”.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi tôm cá chết hàng loạt trên biển, thợ lặn và người dân địa phương rất nóng lòng chờ kết quả điều tra, khám nghiệm xem cái chết của thợ lặn Lê Văn Ngầy có phải do ô nhiễm hay lý do sức khỏe nào khác.
Các cơ quan chức năng cần sớm có kết quả thông báo để người dân không hoang mang, lo lắng và cũng là để họ có biện pháp bảo vệ cần thiết nếu thực sự nước biển ô nhiễm đáng báo động.