Cụ thể, trong ngày 20/1, bà Nguyễn Thị Lam Hồng, thành viên Hội đồng quản trị của Cao su Phước Hòa đã bán hết 477.220 cổ phiếu PHR (tương ứng sở hữu 0,35%) theo phương thức thoả thuận như đã đăng ký trước đó. Sau giao dịch, bà Hồng không còn sở hữu cổ phiếu PHR.
Với giá 39.300 đồng/cp vào ngày 20/1, ước tính bà Hồng đã “bỏ túi” gần 19 tỷ đồng sau khi rời ghế cổ đông của Cao su Phước Hoà.
Trái ngược với động thái thoái vốn của bà Hồng, trong khoảng thời gian 2/1 đến 3/2, hai thành viên Hội đồng quản trị khác của Công ty là ông Huỳnh Kim Nhựt và ông Nguyễn Văn Tược đã gom vào thành công 23.000 cổ phiếu và 48.900 cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty.
Cao su Phước Hoà đã chuyển dần sang bất động sản trong năm 2019. |
Kết thúc năm 2019 vừa rồi, Cao su Phước Hòa ghi nhận lợi nhuận suy giảm 24%, còn mức 475 tỷ đồng.
Mức giảm trong lợi nhuận của Công ty chủ yếu do nguồn thu nhập từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định (phần lớn là tiền nhận đền bù đất dự án khu công nghiệp) chỉ đạt trên 187 tỷ đồng, giảm 55% so với năm trước.
Bên cạnh đó, mức sụt giảm 19% đối với doanh thu bán thành phẩm cao su còn cho thấy tình hình mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty cũng gặp nhiều khó khăn.
Nổi bật là Cao su Phước Hòa đã thực hiện khá hiệu quả việc dần chuyển dịch cơ cấu kinh doanh sang mảng bất động sản khu công nghiệp (cùng việc chuyển nhượng đất đai cho các đơn vị khác) trong năm 2019.
Theo đó, cơ cấu doanh thu có sự thay đổi đáng kể. Tỷ trọng doanh thu bán thành phẩm và hàng hóa giảm từ 92% xuống còn 71% tổng doanh thu, trong khi tỷ trọng doanh thu cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp tăng từ 7% lên mức 24%.