Giá mít Thái giảm gần 5 lần trong 1 tháng, còn 500 đồng/kg
Theo nhiều nông dân ở tỉnh Tiền Giang, mít Thái đang có giá thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Giá mít Thái sớm giảm gần 5 lần so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng. Mỗi tấn mít bán ra chỉ được 2-3 triệu đồng, bằng khoảng 1/10 so với trước đó.
Mít hàng chợ hiện chỉ còn 500 đồng/kg, mít kem là 2.000-3.000 đồng/kg, mít loại nhất, nhì và ba có giá lần lượt là 10.000 đồng/kg, 7.000 đồng/kg và 5.000 đồng/kg. Khi phân loại, có đến 80-90% được xếp vào loại mít kem và mít hàng chợ.
Giá mít Thái giảm thê thảm (Ảnh: GiadinhNet) |
Nguyên nhân khiến giá mít Thái sụt giảm được cho là do thương lái giảm thu mua xuất sang Trung Quốc. Song nguyên nhân sâu xa là vài năm trở lại đây, diện tích mít tăng "nóng".
Hoa hồng cháy ráp, bán rẻ như cho
Ảnh hưởng của dịch bệnh cộng thêm thời tiết nắng nóng gay gắt khiến giá hoa hồng rớt thảm. So với tháng trước, giá hoa hồng giảm chỉ còn 1/10.
Hoa leo có thời điểm giá lên tới 180.000-250.000 đồng/100 bông, nay giảm còn 35.000-50.000 đồng/10 bông. Hồng thơm có giá 25.000-35.000 đồng/bó (100 bông), tùy loại.
Nông dân rớt nước mắt vì ớt rớt thảm
Tầm này năm ngoái, nông dân ở thủ phủ ớt Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) có thể thu tới 30-40 triệu đồng cho mỗi sào ớt. Còn năm nay, ớt chín đỏ rực ngoài ruộng nhưng chẳng ai buồn thu hái khi giá rớt thảm còn 4.000 đồng/kg.
Ớt chín đầy đồng |
Tại Quảng Ngãi, giá ớt cũng chẳng khá khẩm hơn. Trung Quốc ngưng nhập khẩu khiến ớt liên tục hạ giá từ 30.000 đồng/kg đầu mùa xuống còn 4.000 đồng/kg khiến hàng ngàn hộ nông dân lao đao.
Ở thủ phủ ớt Phù Mỹ (Bình Định), người dân cũng buồn thê thảm khi giá ớt đầu tháng 4 giảm còn 3.500 đồng/kg mà không có người mua.
Ớt rớt giá thảm không còn là chuyện mới mà lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Nguyên nhân là quả ớt phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Còn người nông dân mỗi khi thấy giá ớt tăng cao lại đua nhau trồng, phá vỡ quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu, giá lại rớt thảm hơn.
Nông sản Tây Nguyên giảm giá không phanh, bí đỏ cho gia súc ăn
Tiền Phong thông tin, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhiều mặt hàng nông sản của các tỉnh Tây Nguyên giảm sâu không tưởng. Thậm chí, bí đỏ nhiều nơi thừa ứa, nông dân chào bán cho khách mua cho gia súc, gia cầm ăn với giá siêu rẻ vẫn không hết.
Trước đây, giá bơ Booth, bơ 034 có khi lên đến 100 nghìn/kg. Các giống bơ khác giá 30.000-40.000 đồng/kg. Năm nay, bơ loại 1 chỉ có giá 5.000 đồng/kg nhưng ít thương lái đến hỏi mua. Bí đỏ giá chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg. Các năm trước, giá xoài có thời điểm chạm mốc 40.000 đồng/kg, năm nay chỉ bán được từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Laptop khan hàng, tivi ế ẩm
Dịch Covid-19 khiến nhu cầu học tập và làm việc online tăng cao. Thêm vào đó, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã khiến nhiều mẫu laptop bị khan hàng trầm trọng. Zing cho hay, trong quý I/2021, tình trạng khan hàng bắt đầu xuất hiện trên một số mẫu laptop của các hãng Asus, Dell và HP.
Nhiều mẫu laptop khan hàng, tăng giá (Ảnh: Zing) |
Bên cạnh việc khan hàng, các mẫu laptop cũng liên tục tăng giá. Từ tháng 2, hãng Dell đã áp dụng giá mới, tăng thêm 10-100 USD/sản phẩm. Đến đầu tháng 4, Acer đã áp dụng bảng giá mới tăng từ 5-10% tùy từng sản phẩm. Đại diện TGDĐ cho biết tất cả thương hiệu laptop đều tăng giá từ ngày 1/6. Trong đó, đáng chú ý là laptop Dell, tăng từ 2-5 triệu đồng tùy model.
Trong khi đó, mặt hàng tivi lại ế ẩm. Theo Nhịp Sống Kinh Tế, giai đoạn cận kề các giải bóng đá lớn vào mùa hè như World Cup hay Euro, thị trường tivi sẽ trở nên cực kỳ sôi động. Năm nay, khi ngày khai mạc Euro (12/6) đang đến gần, thị trường tivi vẫn chưa khởi sắc. Các mẫu tivi 55 inch đều được giảm giá cả triệu đồng nếu mua qua hình thức online.
Cua đồng đắt hàng, cua đá núi giá rẻ, cua gạch giảm giá
Nắng nóng khiến món cua đồng giải nhiệt “cháy hàng”. Nhờ đó, có người chỉ ngồi nhà bán online cũng hết gần 2 tạ cua đồng. Nhu cầu tăng nhưng giá cua đồng không hề tăng, dao động trong khoảng 120.000-180.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Cua đá núi cũng được nhiều người chuộng mua do ngon, rẻ. Cua đá núi sống trong các khe núi, hốc đá trong rừng sâu nên phải thợ chuyên mới câu hoặc bắt được. Được giới thiệu là “ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng”, loại cua này đang được rao bán rầm rộ trên mạng với giá khá rẻ, từ 150.000-220.000 đồng/kg.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xuất khẩu gặp khó, giá cua biển ở miền Tây giảm gần một nửa so với tháng trước; giá tôm sú, tôm thẻ cũng giảm nhẹ.
Trám non đầu mùa giá 50 nghìn đồng/kg đắt hàng
Gần 2 tháng nữa trám mới bắt đầu chín, nhưng trám nếp non đầu mùa Tuyên Quang đang rất được lòng các bà nội trợ thành phố vì vị ngon, bùi, ngậy. Hiện trám nếp xanh đầu mùa được bán với giá 50.000 đồng/kg.
Trám xanh đầu mùa được nhiều bà nội trợ ưa thích |
Theo người bán, đây là những quả trám rừng tự nhiên, là đặc sản vùng quê, rất sạch và an toàn, không có hóa chất. Trám xanh kho cùng với cá hoặc thịt đều rất ngon, vị chua bùi, lại không hề bị chát.
Nấm mối giá tiền triệu có tiền khó mua được
Theo GiadinhNet, nấm mối miền Tây là đặc sản được khai thác hoàn toàn ngoài tự nhiên, không thể trồng được và thường chỉ xuất hiện trong vườn cây ở các tổ mối dưới đất. Loại nấm này chỉ xuất hiện khi miền Tây bước vào mùa mưa.
Được cho là loại "của trời cho" là "quà của đất" nên nấm mối miền Tây có giá vô vùng đắt đỏ, lên tới 800.000-1.000.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá lên tới 1,5 triệu đồng/kg. Nhưng không phải có tiền là mua được, có người đợi cả nửa tháng vẫn chưa có nấm.
Giá gas bất ngờ tăng mạnh
Sau 2 tháng giảm mạnh, giá gas bán lẻ trong nước đã quay đầu tăng giá với mức tăng là 14.000 đồng/bình 12kg. Hiện giá gas bán lẻ bình 12kg xoay quanh mức 375.000- 410.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Lý giải nguyên nhân vì sao giá gas tăng vọt, các đơn vị kinh doanh gas cho biết, do giá giao dịch gas trên thị trường thế giới vào tháng 6 đã tăng 42,5 USD tấn so với tháng 5, ở mức 527,5 USD/tấn.