Nông sản lên sàn
Chỉ cần ngồi nhà vào trang thương mại điện tử của bưu điện, chị Đỗ Thu Hoà (Ba Đình, Hà Nội) có thể mua được đặc sản khắp các vùng miền. Trước đây, để có vài cân miến dong Phia Đén, bánh đa cua đỏ đất cảng Hải Phòng hay măng khô, chị phải đi du lịch hoặc nhờ bạn bè người thân mới mua được.
“Mình từng mua trên mạng nhưng gặp phải trường hợp giả mạo đặc sản nên giờ mua tại trang thương mại điện tử uy tín, đảm bảo hàng chuẩn mà giao cũng rất nhanh. Đặc sản Phú Quốc hay miền Tây cũng đều được vận chuyển tới tận nhà”.
Hiện sản phẩm bán trên sàn khá đa dạng, với hơn 3.000 loại sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản đặc trưng có thương hiệu của nhiều địa phương trong cả nước như chè Thái Nguyên, long nhãn Hưng Yên, gạo Séng Cù Yên Bái, nước mắm Phú Quốc, mật ong rừng Lào Cai, tương ớt Mường Khương, chả mực Hạ Long, mực một nắng Cô Tô, Tiên Yên...
Tất cả sản phẩm đều có hình ảnh, thông tin mô tả cụ thể, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đánh giá từ 3-5 sao, giúp người tiêu dùng dễ tìm hiểu và lựa chọn hơn. Vì thế, chị Hoà cho biết, sắm tết năm nay chị không cầm vất vả tìm, đặt, chuyển hàng nữa... chỉ 1 tiếng lên sàn có đủ đặc sản khắp Bắc Nam.
Đưa đặc sản lên sàn thương mại điện tử |
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là một chương trình đang được ngành bưu điện triển khai. Tháng 1/2019, Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ khởi động Sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Đây là sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm, hàng hóa đặc sản của Việt Nam. Sàn này hoạt động theo mô hình C2C (khách hàng tới khách hàng) và B2C (doanh nghiệp tới khách hàng).
Với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngành bưu điện đang hỗ trợ đắc lực đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử, những đặc sản địa phương đến tận tay người dân trên mọi miền đất nước với mục tiêu đem đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến thông minh, cung cấp các sản phẩm đặc sản chính gốc, chất lượng cao.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới TƯ, cả nước có 6.270 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh). Các đơn vị này đã sản xuất được 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải may mặc; đồ lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch. Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị.
Thương mại điện tử là hướng đi mới giúp sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm OCOP cạnh tranh trên thị trường và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.
Trong 2 năm triển khai, với hệ thống mạng lưới rộng khắp của Bưu điện Việt Nam, Postmart đã trực tiếp tiếp xúc với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hợp tác kinh doanh trực tuyến, thực hiện quyết liệt chủ trương chuyển đổi số cho các sản phẩm nông sản, hỗ trợ khu vực kinh tế nông thôn nắm bắt kịp thời xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện Postmart đã có hơn 1.000 nhà cung cấp các sản phẩm nông sản trải dài trên 63 tỉnh thành phố với hơn 15.000 sản phẩm đặc sản.
Nông dân chuyển đổi số
Đánh giá kết quả của chương trình đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, theo đại diện của Bưu điện Việt Nam, số lượng đơn hàng phục vụ thành công hàng nghìn đơn và luôn duy trì ổn định từng tháng. Mức độ tiêu thụ sản phẩm đặc sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng lượng giao dịch của Postmart.
Mặc dù nhiều mặt hàng nông sản ở vùng sâu vùng xa, bà con nông dân chưa tiếp cận nhiều với công nghệ, Bưu điện Việt Nam đã hợp tác với các sở ban ngành, liên minh hợp tác xã tại các tỉnh thành phố nhằm phối hợp phát triển và quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản một cách đồng bộ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, giới thiệu về hình thức kinh doanh online, sàn thương mại điện tử, áp dụng các chính sách ưu đãi phí, phí vận chuyển, chương trình khuyến mãi.
Giao dịch qua sàn giúp nâng cao giá trị nông sản Việt |
Đồng thời, với lợi thế mạng lưới gần 13.000 điểm phục vụ của Bưu điện Việt Nam, với nguồn nhân lực được phân bố rộng khắp các địa bàn từ tỉnh, thành phố đến phường, xã, Postmart có thể dễ dàng tiếp cận với các hộ nông dân để phối hợp hướng dẫn và thu gom, xử lý đơn hàng nhanh chóng.
Khi trở thành nhà bán hàng trên sàn, chắc chắn các doanh nghiệp, hộ sản xuất có thêm một kênh phân phối hàng hóa hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả bởi lượng khách hàng phủ rộng trên toàn quốc. Nhờ đó, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, từng bước hướng người dân vùng nông thôn tự tin tham gia vào thị trường với sự chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
Không những vậy, Postmart còn đang thí điểm cung cấp các sản phẩm đầu vào nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL, từ đó tiếp tục mở rộng tại các tỉnh thành khác nhằm cung cấp hệ sinh thái khép kín các sản phẩm từ đầu vào nông nghiệp đến sản phẩm nông sản đầu ra.
Nói về những thành công bước đầu khi lên sàn thương mại điện tử, ông Võ Như Nghĩa - Giám đốc HTX Nông dược xanh Tiên Phước, cho biết, khi trở thành nhà cung cấp bán hàng trên sàn, HTX có thêm kênh phân phối hàng hóa hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả bởi lượng khách hàng phủ rộng.
Để chương trình đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đạt kết quả tốt hơn, cần sự phối hợp của cơ quan chức năng, ngành bưu điện đầu tư nhiều thời gian và nhân lực để hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký tham gia bán hàng trực tuyến. Hỗ trợ chi phí cho các hộ kinh doanh nông sản tham gia các chương trình hội chợ, giới thiệu sản phẩm.
Tổ chức nhiều chương trình kết nối tiêu thụ nông sản, chương trình xúc tiến thương mại giữa các địa phương và doanh nghiệp để giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số sản phẩm nông sản, hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc sản phẩm ngay trên website.
Ông Chu Quang Hào, TGĐ Bưu điện Việt Nam, cho hay, thời gian tới, Bưu điện tiếp tục bám sát các chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm nông sản của địa phương: Chương trình OCOP, Chương trình Chuyển đổi số, Chương trình phát triển sản phẩm đầu vào nông nghiệp,... Bên cạnh đó, nâng cấp giao diện website, tập trung truyền tải các sản phẩm đặc sản, gắn nhãn logo đặc sản, logo tỉnh thành, nguồn gốc xuất xứ; hỗ trợ lưu kho, đóng gói sản phẩm tại các điểm phục vụ. Phối hợp xây dựng, tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm, hội chợ giới thiệu sản phẩm tại địa phương.