GS Ngô Đức Thịnh. |
GS Ngô Đức Thịnh có trên 40 năm nghiên cứu văn hóa dân tộc. Dưới góc nhìn của ông, ông tin rằng văn hóa tự thân nó không bao giờ mất đi. Chỉ vì điều kiện xã hội mà ở giai đoạn nào đó nó bị vùi lấp. Giống như người Hà Nội giờ đã mất đi cái hào hoa, thanh lịch của mình, nhưng ông tin và mong rằng, đặc tính văn hóa đó sẽ trở lại, vào một ngày nào đó.
Dành trọn cả đời cho nghiên cứu văn hóa dân tộc, GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ, điều ông băn khoăn, trăn trở vẫn còn nhiều, cũng có nhiều dự định chưa làm được do tuổi cao, sức yếu rồi. Nhưng nói về con đường đã chọn, ông luôn ánh lên niềm tự hào, vì được làm công việc mình yêu thích, đam mê để đeo đuổi nó.
Ông bảo, không phải ai cũng có được điều may mắn ấy đâu, nhất là bây giờ, dường như giới trẻ không còn được kiên trì như thế hệ ông, nhiều lựa chọn hơn cũng đồng nghĩa với rủi ro nhiều hơn, dễ thay đổi hơn. Đến giờ, sau khi đã cống hiến hết tâm sức của mình cho sự nghiệp nghiên cứu văn hóa, ông tự hào vì đã đóng góp được ít nhiều vào sự phát triển chung, làm được đôi ba việc cũng “gọi là”.
Ông bảo dường như người trẻ bây giờ họ cần tiền hơn cho nhiều mục đích và nhu cầu hơn, nên họ trau dồi năng lực kiếm tiền nhiều hơn là những năng lực khác. Tiền thì ai cũng cần và phải có để duy trì cuộc sống, nhưng đó không phải là tất cả. Cũng có thể vì nhu cầu vật chất của ông ít, nên đồng tiền không có tác động nhiều đến cuộc sống và ông cũng không phải vất vả cho mục tiêu kiếm tiền như nhiều người.
Người ta lo văn hóa dân tộc đang dần mai một, nhưng ông tin rằng văn hóa có sức sống trường tồn, mãnh liệt. Có thể giai đoạn này nó lặn xuống, tiềm ẩn đi, nhưng ở giai đoạn phù hợp nó sẽ lại sống dậy, bùng phát mạnh mẽ. “Giống như người Hà Nội bây giờ còn đâu cái hào hoa, thanh lịch xưa kia. Vì áp lực cuộc sống, áp lực của tồn tại, cơm áo gạo tiền nên người ta buộc phải mải miết mỗi ngày.
Cái cách con người ứng xử, cách con người sống cũng dựa trên cái nền tảng xã hội ấy. Nhưng tôi tin rằng đển một lúc nào đó, khi điều kiện xã hội thay đổi, văn hóa “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” ấy sẽ trở lại, trở lại mạnh mẽ. Chỉ có điều không ai biết đó là lúc nào mà thôi. Tôi thì luôn tin và luôn mong, người Hà Nội sẽ trở lại được cái văn hóa vốn có của mình”, GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)