Vào ngày 9/2/2021, PVT thông báo việc mua lại tàu chở dầu/hóa chất (PVT Azura) có tải trọng 19.945 DWT. Theo PVTrans, con tàu này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của ngành hàng hải quốc tế và đã đi vào hoạt động ngay sau khi tiếp nhận, phục vụ cho khách hàng Nhật Bản với hải trình từ Nhật đến Trung Đông.
PVT vững vàng qua vùng biển động. |
VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan cho PVT của Tổng Công ty Vận tải Dầu khí với giá mục tiêu cao hơn là 19.800 đồng/cp vì tin tưởng vào triển vọng tích cực từ năm 2021 trở đi khi công ty khởi động lại kế hoạch mở rộng đội tàu đầy tham vọng.
Giá mục tiêu dựa trên tỷ trọng tương đương 2 phương pháp định giá DCF (WACC: 12,2% và tăng trưởng dài hạn: 1%) và P/E mục tiêu 2021-23 là 9,1x.
VNDirect nâng P/E mục tiêu 2021-23 từ 7,7x lên 9,1x (+1 độ lệch chuẩn so với P/E trung bình 5 năm) do sự đánh giá lại đối với thị trường trong điều kiện thanh khoản tăng cao và được hỗ trợ từ việc giá dầu tăng mạnh (dầu Brent tăng 26% kể từ đầu năm).
Tiềm năng tăng giá gồm sản lượng vận tải dầu thành phẩm và LPG cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá là giá dầu và giá cước giảm.
Kỳ vọng tăng trưởng kép LN ròng đạt 6,9% trong giai đoạn 2021-23
VNDirect kỳ vọng công ty sẽ mua 1 tàu VLCC mới trong nửa cuối năm 2021, giúp thúc đẩy biên lãi gộp mảng vận tải dầu thô tăng thêm 1,9 điểm % lên 18,1% trong năm 2021.
Theo ban lãnh đạo, biên lãi gộp vận chuyển bằng tàu VLCC sẽ tăng lên mức 15-20% sau khi đầu tư so với mức 1 con số như hiện tại. Điều này rất quan trọng để giúp công ty duy trì biên lãi gộp mảng vận tải dầu thô, vì cho rằng tình trạng cạn kiệt ở các mỏ dầu tại Việt Nam sẽ buộc PVT phải tìm thêm khách hàng quốc tế để bù đắp cho phần sản lượng bị mất đi.
Tuy nhiên, vận tải cho khách hàng quốc tế thường có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với khách hàng trong nước. Trong giai đoạn 2021-23, VNDirect kỳ vọng PVT sẽ đầu tư 2 tàu dầu thành phẩm để đáp ứng sản lượng dầu thành phẩm tăng lên khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tiếp tục duy trì hiệu suất hoạt động cao và nhà máy lọc dầu Dung Quất quay trở lại hoạt động tối đa công suất trong năm 2021.
Bên cạnh đó, VNDirect kỳ vọng PVT sẽ mua thêm 2 tàu hàng rời để chuẩn bị cho việc tham gia vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, được kỳ vọng đi vào hoạt động trong năm 2021 với nhu cầu than nguyên liệu vào khoảng 3 triệu tấn/năm.
VNDirect ước tính sản lượng vận chuyển than của PVT sẽ tăng trưởng với CAGR đạt 10,8% trong giai đoạn 2021-23. Đối với mảng LPG, dự báo PVT sẽ đầu tư thêm 2 tàu (gồm 1 tàu VLGC có sức chứa 75.000-85.000 m3 khí trong năm 2022 khi nhà máy Hyosung LPG dự kiến đi vào hoạt động), kéo theo sản lượng vận tải LPG tăng trưởng đạt mức CAGR là 8,2% trong giai đoạn 2021-23.
VNDirect điều chỉnh tăng dự phóng EPS 2021-23 lên 22,%-24,8% để phản ánh kết quả tốt hơn kỳ vọng của mảng vận tải LPG và dầu thành phẩm trong năm 2020.
Dự báo LN ròng sẽ tăng trưởng với mức CAGR đạt 6,9% trong giai đoạn 2021-23, nhờ vào sự ổn định đến hồi phục nhẹ của giá cước vận tải, tỷ suất lợi nhuận tăng đến từ việc đầu tư tàu VLCC, và tiềm năng phục hồi của mảng FSO/FPSO từ năm 2021 trở đi khi việc giá dầu trung bình tăng 17,8% có thể thúc đẩy một đợt điều chỉnh tăng giá thuê tàu.
VNDirect kỳ vọng kịch bản tăng trưởng của PVTrans. |
Lợi nhuận năm 2020 vượt kỳ vọng của VNDirect
PVTrans báo cáo doanh thu năm 2020 giảm 3,9% svck xuống 7.458 tỷ đồng, vượt 19% dự phóng của chúng tôi nhờ đóng góp cao hơn của mảng vận tải dầu thành phẩm và LPG.
Trong năm 2020, tất cả các hoạt động kinh doanh chính của PVT đều bị tác động tiêu cực bởi đại dịch cũng như việc giá dầu lao dốc. Mảng vận tải ghi nhận DT năm 2020 tăng 9,1% svck, chủ yếu nhờ vào sản lượng vận chuyển LPG tăng (+37% svck) giúp bù đắp sự sụt giảm sản lượng vận chuyển dầu thô (-40% svck) và việc giảm giá cước áp dụng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất (từ tháng 4 đến tháng 9/2020).
Tuy nhiên, biên lãi gộp mảng vận tải giảm 2,0 điểm % xuống còn 15,7% do (1) các chi phí phát sinh liên quan đến dịch Covid-19, (2) vận chuyển LPG có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với dầu thô, và (3) tỷ suất lợi nhuận thấp hơn của thị trường quốc tế, nơi đóng góp tỷ trọng cao hơn trong tổng doanh thu của PVT.
Mảng FSO/FPSO ghi nhận DT giảm 17% svck và LN gộp giảm 20% svck, chủ yếu do giá thuê tàu FSO Đại Hùng giảm do tàu trải qua đợt bảo dưỡng và chuyển hóa thành tàu FPSO cùng với việc giá dầu thế giới giảm mạnh trong năm 2020.
Mặc dù biên lãi gộp giảm 1,1 điểm %, LNTT của PVT trong năm 2020 chỉ giảm 3,6% svck xuống còn 980 tỷ đồng nhờ vào thu nhập từ hoạt động tài chính tăng 3,4 lần svck (~96,5 tỷ đồng) và thu nhập khác tăng 138% svck (~62,3 tỷ đồng). Tuy nhiên, LN ròng vẫn giảm 11% svck xuống còn 613,5 tỷ đồng do thuế suất hiệu dụng và lợi ích của cổ đông thiểu số cao hơn.
Tổng số dư tiền (bao gồm tiền và tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn) tăng 24% svck lên 3.332 tỷ đồng cuối năm 2020, chiếm gần 72% tài sản ngắn hạn của PVT.
PVT cũng đã tích cực thanh toán nợ vay khi công ty trì hoãn kế hoạch mua tàu trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến tổng nợ vay giảm 24% svck xuống 2.602 tỷ đồng và tỷ lệ D/E cải thiện từ mức 0,6 cuối năm 2019 lên mức 0,42 cuối năm 2020.
VNDirect tin rằng tình hình tài chính tốt hơn hơn sẽ tạo tiền đề cho kế hoạch mở rộng đội tàu của PVT trong giai đoạn 2021-23. Kỳ vọng PVT sẽ giải ngân hơn 4.700 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư trong giai đoạn này, ước tính được tài trợ bằng 70% vốn vay và 30% vốn chủ sở hữu.