Trong quý 4, VDSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận của STK đạt 559 tỷ đồng và 75 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và tăng 10% so cùng kỳ năm trước, nguyên nhân từ sản lượng tiêu thụ phục hồi, giá bán tăng và đóng góp doanh thu sợi tái chế tăng.
(1) Phục hồi công suất hoạt động: Theo ban lãnh đạo, trong tháng 10, công suất hoạt động của STK đã tăng lên 85% từ mức 50% vào tháng 9 sau khi kết thúc thực hiện giãn cách xã hội.
(2) Phục hồi sản xuất hàng may mặc trong nước để tăng nhu cầu sợi tái chế: Do tỷ lệ bao phủ vắc xin tăng và số ca nhiễm COVID19 mới giảm, Việt Nam đã chấm dứt thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt vào cuối tháng 9, giúp các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước phục hồi hoạt động sản xuất.
STK kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sợi tái chế trong quý 4 sẽ phục hồi về mức quý 2 vào tháng 11. Trong quý 4, VDSC kỳ vọng sợi tái chế sẽ đóng góp 53% vào tổng doanh thu so với 48% trong quý 3.
(3) Tình trạng thiếu điện của Trung Quốc giúp tăng giá bán sợi: Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng do giá than tăng cao đã dẫn đến việc cắt giảm điện ở các tỉnh công nghiệp chuyên sản xuất sợi như Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông. Giá sợi của Trung Quốc tháng 10 đã tăng khoảng 10% so với tháng trước và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới của năm 2021.
Kỳ vọng điều này cùng với nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may thế giới tăng sẽ giúp tiếp tục thúc đẩy giá bán của STK, dẫn đến biên lợi nhuận gộp quý 4 là 19,3%.
Dự phóng kết quả kinh doanh giai đoạn 2021-2025 của STK. |
Triển vọng dài hạn tươi sáng nhờ thuận lợi ngành và CAPEX mới
Bất chấp sự gián đoạn của COVID trong quý trước, VDSC kỳ vọng rằng công ty có thể vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021 nhờ việc tăng chênh lệch giá cao hơn dự kiến và đóng góp lợi nhuận gộp cao của sợi tái chế.
Năm 2021, dự báo chênh lệch giá sẽ tăng 20% và sợi tái chế sẽ chiếm 66% lợi nhuận gộp, dẫn đến biên lợi nhuận gộp tăng lên 19,3% so với mức 17,7%. Do đó, VDSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 lần lượt là 2.104 tỷ đồng và 278 tỷ đồng, hoàn thành 89% và 112% kế hoạch năm của STK.
Trong năm 2022, VDSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 26% và 29%, chủ yếu nhờ đóng góp doanh thu cao hơn của sợi tái chế (59% trong năm 2022 so với 54% trong năm 2021), củng cố biên lợi nhuận gộp năm 2022 lên 20,4%.
Trong năm 2023, kỳ vọng nhà máy mới sẽ tăng công suất của STK lên 57%, dẫn đến doanh thu tăng 45% YoY trong năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn 36% trong năm 2023 do biên lợi nhuận ròng sẽ giảm khi chi phí khấu hao tăng. Dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của STK sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR lần lượt là 23% và 24% trong giai đoạn 2021-2025.
STK đặt mục tiêu xây dựng nhà máy Unitex trong giai đoạn 2021-2025 với tổng công suất 60.000 tấn/năm, giai đoạn đầu sẽ hoàn thành 60% công suất trong năm 2023 và tăng gấp đôi công suất hiện tại vào năm 2025. Tổng CAPEX sẽ là 120 triệu USD với 70% vốn vay.
Dự án sẽ được chia thành hai giai đoạn: 2021 - 2023 (36.000 tấn/năm và CAPEX 75 triệu USD); 2023 - 2025 (24.000 tấn/năm và CAPEX 45 triệu USD).
STK cũng có kế hoạch phát hành cổ đông hiện hữu 13,6 triệu cổ phiếu (20% số cổ phiếu đang lưu hành hiện tại) để tài trợ cho dự án này, được thực hiện vào cuối năm 2021. Ngoài ra, tại cuộc họp các chuyên viên phân tích quý 2, STK tiết lộ rằng công ty sẽ thực hiện một phát hành riêng lẻ 13,6 triệu cổ phiếu khác trong năm 2022.
VDSC sử dụng kết hợp phương pháp DCF (50%) và so sánh P/E (50%) để đưa ra giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu STK là 67.000 đồng/cp. Sử dụng WACC là 11%, giá trị nội tại với phương pháp định giá DCF là 71.000 đồng/CP. Về so sánh P/E, tìm kiếm các nhà sản xuất PFY có quy mô tương đương trên toàn cầu nhưng chủ yếu là châu Á, nơi các đối thủ cạnh tranh chính của STK được xác định. VDSC tin rằng triển vọng tươi sáng đối với sợi tái chế và nhà máy Unitex sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh mạnh mẽ của công ty trong 5 năm tới, dẫn đến dự phóng CAGR lợi nhuận sau thuế là 24% trong giai đoạn 2021-2025, cũng như hiệu quả sinh lời vượt trội so với đối thủ. |