VNDirect cho biết giá mục tiêu dựa trên tỷ trọng tương đương của 2 phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA 2020-2021 mục tiêu là 6,7x. VNDirect nâng EV/EBITDA mục tiêu từ 5,5x lên 6,7x tương đương với trung bình các doanh nghiệp trong nước.
Động lực tăng giá là sản lượng và giá bán bình quân hồi phục trong 2021. Rủi ro giảm giá là các vấn đề phát sinh trong quá trình đàm phán lại hợp đồng mua bán điện với EVN và mức trích lập dự phòng cao hơn kỳ vọng cho các khoản phải thu của EVN.
Giá cổ phiếu POW đã tăng khoảng 12% từ đầu tháng 12 do có tin đồn thoái vốn tại công ty con PVMachino (PVM) sau khi một cổ đông khác của PVM thoái thành công 17,1% cổ phần trong tháng 11. POW hiện nắm giữ 19,9tr cổ phiếu của PVM với tổng giá trị là 189 tỷ đồng.
Nếu POW có thể thoái toàn bộ cổ phần của mình tại PVM với giá giao dịch hiện tại, VNDirect ước tính công ty có thể ghi nhận doanh thu tài chính khoảng 187 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chưa có thông báo chính thức nào từ POW về tiến độ thoái vốn nên chưa đưa khoản thu nhập một lần này vào mô hình định giá.
Bảng ước tính lợi nhuận trong tương lai của POW. |
VNDirect dự báo sản lượng điện của POW tăng 10,8% svck trong 2021 nhờ nhu cầu điện phục hồi hậu Covid-19. Sản lượng thủy điện kỳ vọng tăng mạnh (+27,4% svck) trong khi sản lượng huy động nhiệt điện từ EVN sẽ giảm do nguồn thủy điện giá rẻ được ưu tiên.
ASP dự báo tăng 4,7% svck do giá nhiên liệu đầu vào khí và than tăng (phần tăng sẽ được chuyển qua giá bán với phần sản lượng theo hợp đồng PPA) và giá CGM tăng nhẹ (+3- 5% svck). VNDirect kỳ vọng LN ròng sẽ tăng 16,4% svck trong năm 2021.
Mới đây, PVPower ước sản lượng điện năm 2020 đạt 19,293 triệu kWh, đạt 89% kế hoạch. Doanh thu ước đạt 30.472 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 2.335 tỷ đồng, cũng vượt tới 14% kế hoạch cả năm nhưng giảm 18% so cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh sơ bộ của POW tương ứng mức tăng mạnh 145% trong lợi nhuận sau thuế quý 4/2020.
Với kết quả này, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) lưu ý rằng lợi nhuận của POW trong quý 4/2019 là mức cơ sở so sánh thấp khi công ty đã ghi nhận khoản dự phòng nợ xấu trị giá 410 tỷ đồng trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh sơ bộ quý 4/2020 của POW vượt kỳ vọng của VCSC, có thể đến từ: 1) đóng góp tiềm năng từ khoản thu chậm lãi tỷ giá, 2) khoản thanh toán cho sản lượng hợp đồng mà EVN không huy động, do các cơn bão lớn tại miền Trung trong tháng 10 và đầu tháng 11/2020.
Tuy nhiên, theo bộ phận Quan hệ nhà đầu tư (IR) của POW, kết quả kinh doanh sơ bộ này không bao gồm khoản lãi từ thoái vốn hoặc hoàn nhập dự phòng, dù cần thêm đánh giá từ kiểm toán.