Trong BCTC, CTCP VNG (VNZ) ghi nhận doanh thu theo bốn nguồn chính, bao gồm:
- Doanh thu DV trò chơi trực tuyến: Đây là nhóm doanh thu cốt lõi của VNZ (Hình 1 & 2). Trong lĩnh vực này, VNZ có hai mảng chính là Phát hành game (mua các bản quyền phát hành game từ các Game studio sau đó vận hành và phân phối chúng) và phát triển game (VNZ tự phát triển game).
Ngoài thị trường Việt Nam, các game của VNZ được phát hành khá rộng rãi trên thị trường quốc tế tại gần 20 quốc gia. Các công ty con của VNZ vận hành chính trong lĩnh vực này có thể kể đến như: ZingPlay, Long Đỉnh, Truyền thông Minh Phương Thịnh, VNG Games.
- Doanh thu DV GTGT trên mạng viễn thông và internet: bao gồm các dịch vụ thuộc mảng Tài chính công nghệ (vận hành ứng dụng thanh toán di động Zalo Pay) và DV Cloud.
- Doanh thu DV Quảng cáo trực tuyến được tạo ra từ việc quảng cáo trên các nền tảng kết nối của VNZ như Zalo, Zing, Báo Mới cũng như trên các trang chủ của các trò chơi mà VNZ vận hành.
- Doanh thu DV nhạc chờ và bản quyền bài hát: mảng này chiếm tỷ trọng không trọng yếu đối với VNZ.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu lũy kế 9T-2022 giảm tốc khá rõ rệt do doanh thu mảng trò chơi trực tuyến giảm 12,7% YoY mặc dù đã ra mắt gần 40 tựa game mới. Trong khi đó, mảng DV GTGT trên mạng viễn thông và internet lại ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt gần 110% YoY, nhờ sự tăng trưởng mạnh về doanh thu của Zalo Pay.
Doanh thu của VNZ. |
Xét về lợi nhuận, mức sinh lời của VNZ bị ảnh hưởng khá mạnh bởi lỗ từ (1) công ty con Zion (công ty vận hành ZaloPay) khi công ty này vẫn đang thực hiện rất nhiều các chương trình khuyến mại nhằm mở rộng tập khách hàng và (2) các khoản đầu tư vào các Startup trong khoảng 3 năm trở lại đây (hình 5).
Một điểm đáng lưu ý khác là lĩnh vực cốt lõi, vận hành trò chơi trực tuyến, cũng đang có dấu hiệu suy yếu, khi doanh thu tăng trưởng âm trong khi các hoạt động marketing cho các trò chơi đẩy mạnh cũng như tăng cường tuyển dụng phục vụ cho quá trình mở rộng tại các thị trường quốc tế, khiến chi phí hoạt động tăng nhanh. Điều này đã khiến lợi nhuận từ HĐKD (EBIT) của công ty mẹ cũng bắt đầu âm trong 9T-2022.
Các chỉ số kinh doanh của VNZ. |
Về cơ cấu cổ đông của VNZ, cổ đông ngoại là VNG Limited hiện nắm giữ 61% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trước đó, ĐHCĐ năm 2022 đã thông qua việc miễn trừ chào mua công khai của cổ đông này từ các cổ đông nước ngoài khác thể hiện tại hình 7.
Có thể thấy ngoài các nhà đầu tư tài chính là các quỹ của GIC, Mirea Assets, B Capital, thì có sự xuất hiện của hai cổ đông, được cho là có liên quan tới Tập đoàn Tencent, là Tenacious (đã đầu tư vào VNZ kể từ 2008) và Prosperous. Điều này phần nào lý giải cho mô hình kinh doanh khá tương đồng giữa VNZ và Tencent, xoay quanh các lĩnh vực như trò chơi trực tuyến, phát triển các nền tảng kết nối liên lạc hay thanh toán di động.
Cơ cấu cổ đông VNZ. |
Về định giá, dựa trên các đợt phát hành riêng lẻ của VNZ trong quá khứ, có thể thấy VNZ đã trở thành “kỳ lân” sau kỳ phát hành riêng lẻ năm 2015. Sau đó 4 năm vào 2019, định giá đã tăng hơn gấp đôi sau khi có giao dịch mua của quỹ Seletar (có liên quan tới GIC).
Mặc dù vậy, tại mức giá trần hiện tại của VNZ, vốn hóa ước tính của công ty mới chỉ đạt khoảng 410 triệu USD. Cũng tại mức giá này, VNZ đang được định giá P/B tại mức 2.2x trong khi lỗ lũy kế 4 quý liền trước hơn 500 tỷ đồng khiến định giá P/E trở nên không có quá nhiều ý nghĩa. Trong khi đó, Tencent, với mô hình kinh doanh khá tương đồng, hiện đang được giao dịch ở mức P/B là 4.0 lần.