Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tốt và biên NIM thu hẹp trong nửa cuối năm
BID vừa nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng mới là 9,5%, tăng so với mức 7,5% trước đó. Con số này gần như đạt mục tiêu tăng trưởng của ngân hàng. Do vậy, có khả năng sẽ không có đợt cấp mới hạn mức tín dụng cho BID trong giai đoạn cuối năm.
Bên cạnh kênh số, BID có mạng lưới giao dịch rộng lớn để mở rộng cơ sở tín dụng trong giai đoạn giãn cách xã hội. VDSC kỳ vọng ngân hàng sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng 8,0-8,5% trong quý 3, dẫn dắt bởi tập khách hàng ở miền Bắc.
Tăng trưởng huy động cũng được kì vọng sẽ giữ vững động lượng. BID dự kiến duy trì tỉ lệ LDR ở gần mức trần 85% nhằm tối ưu hóa bảng cân đối trong bối cảnh các tài sản ngoài cho vay đang có lợi suất thấp. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại, BID dự kiến kết thúc năm với dư nợ tín dụng đạt gần mức trần.
BID sẽ triển khai gói lãi suất hỗ trợ, khiến lợi suất cho vay giảm 1-2% trong nửa cuối năm. Dựa trên quy mô khách hàng đủ điều kiện và kỳ tái định giá lãi suất, lợi suất cho vay trung bình (quy năm) được dự báo sẽ giảm -72 điểm cơ bản trong quý 3 và -7 điểm cơ bản nữa trong quý 4.
Tỷ lệ CASA dự kiến sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 do tính mùa vụ và tốc độ mở rộng cơ sở tiền gửi ở mức trung bình. Tuy nhiên, VDSC vẫn dự phóng chênh lệch lãi ròng trên thị trường 1 sẽ giảm mạnh, làm thu hẹp biên NIM (quy năm).
Từ góc độ toàn ngành, cho vay bán lẻ bị ảnh hưởng mạnh hơn so với cho vay doanh nghiệp dưới tác động không đồng đều của đại dịch đối với nhu cầu tín dụng. Cụ thể, hoạt động cho vay bán lẻ có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn so với doanh nghiệp trong nửa đầu năm.
Điều này sẽ cản trở khả năng của BID trong việc tái cơ cấu danh mục cho vay tập trung phân khúc bán lẻ để cải thiện biên NIM. NIM (quy năm) của 6 tháng cuối năm 2021 được ước tính giảm -18 điểm cơ bản.
Duy trì triển vọng năm 2021 dù chịu áp lực từ chi phí tín dụng
VDSC kỳ vọng BID sẽ đạt 23.260 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong nửa cuối năm 2021, tăng +18% so với cùng kỳ. Điều này đóng góp vào mức tăng trưởng +12% so với cùng kì năm trước của tổng thu nhập hoạt động. Hệ số CIR trong 2H2021 có khả năng tăng mạnh, dẫn đến hệ số CIR cả năm đạt mức 34%.
Trích lập dự phòng được dự báo sẽ giảm so với nửa đầu nằm 2021, dù tình hình giãn cách xã hội siết chặt và các dữ liệu kinh tế kém khả quan. Trong nửa đầu năm 2021, BID đã trích lập dự phòng hơn 40% chi phí tín dụng tăng thêm cho dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 03.
Kết hợp với nền so sánh cao, VDSC cho rằng chi phí tín dụng (trượt 12 tháng) có thể đã đạt đỉnh trong năm trong quý 2. VDSC dự báo chi phí dự phòng năm 2021 ở mức 24,4 nghìn tỷ đồng (+5% so với cùng kì năm trước), tăng hơn 1,3 nghìn tỷ đồng so với dự báo trước. Điều này tương đương chi phí tín dụng 1,9%.
Nâng dự báo chi phí tín dụng năm 2022 lên 1,8% khi xét đến khả năng gia tăng nợ tái cơ cấu và nợ xấu vốn sẽ kéo dài thời gian phân bổ trích lập dự phòng.
Điều chỉnh giảm dự báo LNTT 2021-2022, lần lượt là 16.844 tỷ đồng (+83% YoY) và 21.596 tỷ đồng (+28% YoY). Điều này đồng nghĩa lợi nhuận vẫn tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm. LNTT 2H2021 dự kiến đạt 8.722 tỷ đồng (+80% YoY).
Đây được xem là triển vọng tương đối tích cực trong bối cảnh đà tăng trưởng của toàn ngành đang chậm lại như được dự báo trong Báo cáo Triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2021. Do đó, VDSC duy trì quan điểm tích cực trong ngắn hạn đối với BID, vì kết quả lợi nhuận vượt trội có thể thúc đẩy giá cổ phiếu vào cuối năm 2021.
Tuy nhiên, VDSC giữ quan điểm thận trọng về triển vọng trung và dài hạn khi xét đến nền tảng vốn, tính bền vững của hiệu quả hoạt động, và chất lượng tài sản. Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu dự kiến đạt 21.498 đồng cuối năm 2021.
Do điều chỉnh giảm lợi nhuận và hệ số định giá của ngành thấp hơn, VDSC điều chỉnh giảm -2% giá mục tiêu xuống 40.500 đồng/cổ phiếu với khuyến nghị TRUNG LẬP.