Thay vì mua bên ngoài vì lo sợ mất an toàn thực phẩm, giá đắt, nhiều chị em đã tự làm các loại bánh đậm đà hương vị Việt như bánh xu xê, bánh nếp, bánh dẻo... đến cả những loại bánh theo xu hướng “ngoại” như bánh bông lan, cake, pudding… Đặc biệt, bánh Trung thu tự làm thời điểm này đang sốt xình xịch, thu hút nhiều bà nội trợ. Tuy nhiên, không ít trường hợp những chiếc bánh “home made” sau khi ra lò này lại có hiện tượng để 2 – 3 ngày đã bị hỏng, hoặc ăn vào thì bị đau bụng.
Nhiễm khuẩn vì quên rửa tay, tiệt trùng dụng cụ
Ngày nay, muốn làm bánh không hề khó, các công thức thì nhan nhản trên mạng, nguyên liệu cũng vô cùng dồi dào, chỉ riêng bột làm bánh cũng có đủ loại từ bột gạo, bột mỳ, bột ngô, bột đậu nành, bột đậu xanh, đến cả thiết bị làm bánh như lò nướng, khuôn làm bánh... cũng không hề thiếu. Thậm chí còn có cả những video clip hướng dẫn làm bánh. Vì vậy, chị em rất tự tin để làm ra những chiếc bánh mà theo họ là thơm ngon, rẻ và đảm bảo an toàn.
Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Ánh, Tiệm bánh Trúc Nhật cho biết, trước nguy cơ mất an toàn thực phẩm việc tự làm bánh là một việc nên khuyến khích, bởi tự làm bao giờ cũng tiết kiệm. Tuy nhiên, việc tự làm ở nhà chưa chắc lúc nào cũng là an toàn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, việc tự tay chúng ta chế biến chắc chắn sẽ sạch sẽ hơn. Thực tế không như vậy. Ðể đảm bảo bánh sạch sẽ, an toàn đòi hỏi phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc tiệt trùng dụng cụ, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi làm, đeo bao tay, khẩu trang, bao tóc gọn gàng...
Tuy nhiên, trong điều kiện tại gia thì nhiều người lại không chú ý những quy định này. Từ việc chế biến nguyên liệu, cho đến dụng cụ làm bánh, nướng bánh, hay nhào bột, làm nhân, cho đến cả việc lấy bánh ra lò và để nguội cũng đều có nguy cơ bị nhiễm vi sinh vật. Ðó là lý do vì sao bánh tự làm lại nhanh bị hỏng chứ không phải vì chúng ta không cho chất bảo quản. Ðấy là chưa kể nhiều nguyên liệu làm bánh đã mua sẵn và chẳng thể nào biết được nguyên liệu đầu vào có đảm bảo hay không. Ðây chính là lý do nhiều người ăn bánh có thể bị đau bụng dù là tự tay làm.
Ảnh minh họa. |
Hỏng vì bảo quản sai
Một nguyên nhân nữa khiến bánh tự làm dễ bị hỏng và thậm chí là gây độc cho người ăn là do cách bảo quản sai. Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Ánh cho hay, để đảm bảo tiệt trùng và kéo dài thời gian bảo quản, nhiều người cho bánh vào túi nilon hút chân không hoặc cho vào ngăn đá. Tuy nhiên, thực tế việc để bánh vào túi hút chân không là sai lầm. Hút chân không chỉ có tác dụng với thực phẩm khô (thực phẩm sẽ không biến đổi).
Trong khi đó, các loại bánh vẫn phát ẩm nên dù có hút hết chân không thì chính cái bánh lại tự tạo ra độ ẩm cho môi trường đó, khiến vi khuẩn và nấm mốc vẫn có thể hoạt động bình thường. Tương tự, việc nhân tiện một lần làm thì làm thật nhiều rồi để bánh trong ngăn đá tủ lạnh để ăn dần là một cách làm sai lầm và lãng phí. Không có loại thực phẩm nào để cả tuần, cả tháng mà ăn vẫn ngon như khi vừa mới làm.
Ðồng quan điểm, BS Hoàng Trung Bồng, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho rằng: Ngăn đông là nơi thường được dùng để bảo quản đông lạnh các thực phẩm sống. Việc để lẫn bánh với các loại thực phẩm này có nguy cơ nhiễm khuẩn, nhất là thực phẩm sống có thể đun nấu lại chứ bánh thì không thể.
Muốn không bị hỏng, sau khi làm xong nên để bánh nguội hẳn, sau đó bọc từng chiếc vào giấy trắng (giấy dành riêng cho bao gói thực phẩm là tốt nhất), rồi mới bao lại trong túi nilon kín. Sau khi bao kín nên cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Tuy nhiên, không nên làm nhiều vì ngăn mát tủ lạnh cũng không thể giúp bảo quản bánh lâu dài. Tốt nhất làm đến đâu ăn đến đó, tối đa trong 3 - 5 ngày.
Theo các chuyên gia, việc bọc bánh vào giấy trước khi cho vào túi nilon là vì bánh có thể phát ẩm và hơi ẩm sẽ được thấm hút vào giấy. Nếu không làm vậy, hơi ẩm sẽ đọng lại trong túi nilon và gây mốc bánh.