Mối nguy hiểm khi chở thi thể người bằng xe máy
Hình ảnh người đàn ông dùng xe máy chở thi thể người bệnh tử vong đang khiến dư luận nảy sinh nhiều luồng ý kiến trái chiều, liệu có nguy hiểm đến môi trường sống?
Ngày 14/9, Công an tỉnh Sơn La cho biết sau khi tiếp nhận thông tin người đàn ông đi xe máy di chuyển qua TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) chở một vật thể giống như thi thể người phía sau, công an tỉnh đã vào cuộc xác minh.
Theo điều tra, danh tính người chết là chị P., trú ở xã Mường Dại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Chị P. mắc chứng bệnh lao phổi được gia đình đưa đi điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La (tỉnh Sơn La). Do mắc bệnh nặng, chị P. đã tử vong. Không có tiền thuê xe ô tô nên gia đình chị P. đã nhờ người quen sử dụng xe máy chở thi thể từ Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La về nhà để mai táng.
Sự việc này khiến nhiều người băn khoăn liệu hành vi chở thi thể người bằng xe máy có vi phạm quy định của Bộ Y tế về vận chuyển tử thi và ảnh hưởng đến môi trường sống?
Tự vận chuyển thi thể: Phát tán mầm bệnh ra cộng đồng
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho hay bệnh lao lây qua đường hô hấp, do hít phải trực khuẩn lao phát tán khi người bệnh ho, hắt hơi, la hét, hát... Những người ở gần xung quanh có thể hít phải trực khuẩn lao. Tuy nhiên, bệnh nhân đã chết nên khó có thể gây nguy hại cho môi trường hoặc lây bệnh cho người khác.
Mặc dù vậy, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, nhận định hình ảnh một người đàn ông dùng xe máy chở thi thể bệnh nhân tử vong đã vi phạm vệ sinh môi trường và phản cảm về mặt xã hội.
Việc tự vận chuyển thi thể làm tăng nguy cơ lây lan, phát tán mầm bệnh ra cộng đồng. Hơn nữa, Luật Giao thông cũng quy định các phương tiện vận chuyển hành khách thông thường không được vận chuyển tử thi.
|
Bức ảnh gây xôn xao trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook Tùng Hải. |
Theo quy định, sau khi chết, việc vận chuyển bệnh nhân tử vong được thực hiện như sau:
Quy định vận chuyển bệnh nhân tử vong vì lao phổi
Ông Mai Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế - cho hay quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BYT của Bộ Y tế đã hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng người chết do lao phổi thuộc các bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Thi hài khi vận chuyển phải được bao bọc kín bằng các vật liệu không thấm nước và được vận chuyển bằng phương tiện riêng.
Nếu vận chuyển bằng phương tiện vận tải giao thông đường không, đường thủy, đường biển hoặc đường sắt thi hài phải được đặt ở buồng riêng và kín. Theo quy định của Bộ Y tế, bệnh viện không có nhiệm vụ vận chuyển tử thi.
Trường hợp người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa, trước khi vận chuyển, thi hài phải được khâm liệm theo quy định.
Về quy định giải quyết bệnh nhân tử vong, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết trưởng khoa hoặc bác sĩ điều trị phải báo cho khoa giải phẫu bệnh với bệnh viện hạng I và II.
Sau khi nhận giấy báo tử, Khoa Giải phẫu bệnh phải cử người nhận thi thể đưa về nhà xác. Thông thường việc mai táng người bệnh tử vong do gia đình người bệnh thực hiện. Nếu bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm phải được tẩy uế và do viên chức nhà đại thể khâm liệm, nhập quan.
Từ trường hợp vận chuyển bệnh nhân bằng xe máy nêu trên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đề xuất cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân nghèo và có sự phối hợp, chung tay từ nhiều phía như bệnh viện, chính quyền địa phương, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. Nếu người nhà bệnh nhân cố tình không tuân thủ cần có sự vào cuộc của cảnh sát môi trường.
Liên quan đến sự việc vận chuyển xác bằng xe máy, ngày 15/9, ông Lầu Sáy Chứ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La, cho biết ông đang đi công tác ở Hải Phòng. Lãnh đạo Sở đã nắm được sự việc và yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La báo cáo. Sau khi có thông tin, Sở Y tế sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí.