Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận 39 về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Theo đó, giai đoạn 2026-2030, mỗi năm cử khoảng 500 cán bộ ra nước ngoài bồi dưỡng, trong đó trung hạn 50 người, ngắn hạn 300, ngoại ngữ 150.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. |
Nội dung bồi dưỡng tập trung gồm: Tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chính sách phát triển bền vững, kinh tế, khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng pháp luật và hoạt động tư pháp; kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Cán bộ đi nước ngoài bồi dưỡng ngắn hạn khoảng 2 tuần, tổ chức theo đoàn, mỗi đoàn 15-20 người, có vị trí lãnh đạo, quản lý và lĩnh vực công tác tương đồng ở Trung ương và địa phương. Người được cử đi là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Bồi dưỡng trung hạn khoảng 3 tháng, học trực tiếp bằng ngoại ngữ áp dụng với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương trở lên ở địa phương
Bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ khoảng 4 tháng trong nước và 4 tháng nước ngoài áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên dùng ngoại ngữ trong công việc.
Bộ Chính trị nêu rõ chương trình bồi dưỡng kết hợp giữa học tập và khảo sát thực tế, bổ sung được kiến thức mới, kỹ năng lãnh đạo, quản lý hiện đại, trong đó có làm việc, trao đổi với đảng cầm quyền, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, các tổ chức quần chúng... của các nước sở tại. Phương thức bồi dưỡng được kết hợp linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến tùy theo điều kiện thực tế.
Bộ Chính trị đánh giá, qua 15 năm thực hiện, Đề án 165 (đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước) đã đạt được kết quả tích cực, hoàn thành mục tiêu đề ra; tổ chức được nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thiết thực. Phần lớn cán bộ có ý thức nghiên cứu, học tập, cập nhật được kiến thức mới, phát triển năng lực công tác, để vận dụng vào thực tiễn. Quá trình thực hiện Đề án 165 đã xây dựng được mạng lưới hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo, chuyên gia có uy tín trong nước và ngoài nước, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 165 còn một số hạn chế như: Việc xây dựng kế hoạch, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của một số nơi chưa sát thực tế; trùng lắp với chương trình hợp tác nước ngoài khác. Nội dung chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng chưa cao. Một số nơi chưa phát huy hiệu quả sử dụng cán bộ gắn với nội dung đào tạo. Một số cán bộ chưa vận dụng được kiến thức để nâng cao hiệu quả công việc...