Hôm 16/5 vừa qua, báo Tri thức trực tuyến đăng lên một chùm ảnh: “Giới trẻ mình trần diện bikini quẩy tung bể bơi trong đêm”. Theo đó, tối 15/5 một bữa tiệc bikini (Pool Party) được tổ chức tại công viên nước trong một khu vui chơi giải trí ở Hà Nội, đã thu hút hàng trăm nam nữ thanh niên. Ngoài ra còn có một nhóm vũ công, ca sĩ góp mặt như nữ DJ Trang Moon và ca sĩ Đông Nhi, Issac.
Một hình ảnh trong bữa tiệc bikini tối 15/5. |
Độc giả có nick LAO YEU NGANNAM, người đại diện cho nhóm quan điểm không ủng hộ hoạt động này đã viết một bình luận dài. Trong đó có một số điều đáng lưu ý: “Chúng ta nên hiểu rằng ở mỗi một quốc gia có những điều kiện khác nhau nên có nền văn hóa khác biệt. Chúng ta cần chọn lọc tiếp thu những cái nhân văn hơn, có tính thời đại hơn để phát triển nền văn hóa của mình đẹp đẽ hơn. Nhưng với việc tiếp thu trào lưu ‘’tiệc bikini’’ từ phương Tây như vậy, tôi thấy đó là một bước đi xuống của văn hóa, nhất là đối với các bạn trẻ, nhưng người chủ nhân của đất nước. Đó là một trào lưu mang tính ăn chơi, thác loạn, bầy đàn, không phù hợp với nền văn hóa Á Đông của người Việt chúng ta. Giữa tiếng nhạc chát chúa là rất nhiều những nam thanh nữ tú mình trần nhảy nhót trong một hồ bơi chật chội. Đó là văn hóa chỉ phù hợp bên Phương Tây còn ở Việt Nam thì đó là những hình ảnh phản cảm với nền văn hóa”.
Lời bình này đã được 3106 lượt like và kéo theo nhiều ý kiến phản hồi. Trong số 16 ý kiến trả lời cho lời bình của độc giả nói trên, chúng tôi đếm được 7 ý kiến đồng tình, 7 ý kiến không đồng tình và 2 ý kiến trung hòa. Tuy nhiên, các ý kiến đồng tình với quan điểm của LAO YEU NGANNAM được like nhiều hơn so với các ý kiến phản đối lại.
Bữa tiệc bikini này đã châm ngòi cho các tranh cãi gay gắt trên mạng mấy ngày qua. |
Đối lại với ý kiến của LAO YEU NGANNAM, vị độc giả có nick Nguyễn Thị Anh Thư cho rằng: “Tuổi trẻ mà. Chỉ đến một lần trong đời. Dù nhiệt huyết xông pha không ngại khó, ngại khổ như thanh niên tình nguyện, hay máu lửa dân chơi quẩy hết mình, tôi cũng thấy rất tuyệt, rất Tây, rất phóng khoáng. Với bạn là mai một văn hóa truyền thống nhưng với tôi là du nhập, là cách sống sảng khoái, không câu nệ tiểu tiết. Mỗi người mỗi cách nhìn nhận, mỗi cách sống và mỗi cách thể hiện. Đừng tự cho mình cái quyền được đánh giá về người khác… Tuổi trẻ của chúng ta có những bứt phá trong cuộc sống cũng là một điều tốt. Với thời tiên tiến hiện nay thì chúng ta phải có những thich nghi phù hợp chứ không thể nào mà cứ mãi chôn vùi cái hình ảnh gắn mác ngày xưa, miễn sao chúng ta đừng làm điều xấu là được”. Bình luận này được 214 lượt like.
Một bình luận khác thuộc nhóm ủng hộ Pook Party là của độc giả có nick Khang Nguyễn với ý kiến: “Mỗi con ngươi được quyền chọn cho mình một cách giải trí riêng và không ai có quyền cấm điều đó khi nó không vi phạm pháp luật. Tự do thể hiện mà không ảnh hưởng đến ai là một nhu cầu mà không một ai có quyền tước đoạt của một con người… Chúng ta luôn kêu gọi và đòi hỏi sự tự do nhưng chúng ta sẵn sàng chỉ trích người khác khi họ làm điêu gì đó khách với mình?”. Lời bình luận này cũng được 168 lượt like.
Có thể thấy rằng các ý kiến ủng hộ tiệc bikini đều dựa vào quan điểm hội nhập thế giới là phải như vậy. Một độc giả viết: “Các quốc gia phương Đông vốn kín đáo trong những chuyện nhạy cảm, nhưng khi kinh tế phát triển thì nó sẽ thay đổi những cái vốn gọi là văn hóa, nhìn vào Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore,... Mà học hỏi”.
Đáp lại quan điểm này, một độc giả khác viết: “Nhìn Nhật Bản mà học hỏi là OK! Chẳng 1 quốc gia châu á nào có thể đạt đến trình độ hội nhập với phương Tây lớn đến như vậy. Giới trẻ Nhật Bản sành điệu còn hơn cả giới trẻ phương tây nhưng về nét văn hóa, bản sắc dân tộc họ được phát huy ở mọi nơi. Cư xử, chào hỏi, ăn vận, thực phẩm cả thế giới đều biết đến”.
Sau khi bài báo đăng lên, sự việc không còn chỉ nằm trong diễn đàn của báo Tri thức trực tuyến. Chiều 18/5, báo Người lao động có bài “Tranh luận dữ dội quanh tiệc bikini ở Hà Nội”. Sau khi trích dẫn phân tích các ý kiến phản hồi, tác giả bài báo này cho rằng: “Hòa nhập chứ không hòa tan, chẳng thể biện hộ rằng vì đang còn trẻ, có quyền “chơi tới bến”, bất chấp mọi chỉ trích từ người khác để bảo vệ cho quyền được tham gia những hoạt động lạ lẫm với văn hóa Việt. Để rồi, khi lằn ranh mong manh giữa lành mạnh và thác loạn bị vỡ lại phải hối hận một thời tuổi trẻ của mình đánh mất một cách vô duyên và đáng tiếc như thế!”.
Phía dưới bài báo nêu trên của Người lao động có một ô thăm dò ý kiến. Đến thời điểm chúng tôi xem thì số người cho đó là hành động phản cảm chiếm 49% với 92 người, số người cho là không phản cảm chỉ chiếm 6% với 11 người còn số người thấy là bình thường chiếm 45% với 86 người.
Những ý kiến chúng tôi trích dẫn ở trên đã cho thấy rõ câu chuyện. Mỗi bên đều có quan điểm của mình. Với riêng bữa tiệc Pool Party hôm 15/5 vừa qua, hiện chưa thấy có những vấn đề gì xấu phát sinh. Tuy nhiên, chúng tôi xin được trích lại một đoạn trong bài viết “Ớn lạnh tiệc bikini” đăng trên báo Tuổi trẻ từ năm 2012:
“Anh T., giám đốc điều hành một resort bốn sao ở Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận), cho biết từng nhận được một yêu cầu 12 phòng ngủ cho 24 khách. Nhóm khách này đưa ra đề nghị trả tiền gấp đôi để có thể sở hữu hồ bơi riêng cho nhóm trong đêm ngủ ở resort với yêu cầu: không ai được bén mảng đến khu vực hồ bơi. “Vì chúng tôi muốn phục vụ khách tốt nhất nên cho hai nhân viên đến xem khách có nhu cầu gì cần phục vụ để đáp ứng. Tuy nhiên, nhân viên báo lại khách có những biểu hiện làm tình ngay tại hồ bơi. Chúng tôi đã yêu cầu dừng lại vì tránh làm ảnh hưởng đến khách khác. Trưa hôm sau, khi đoàn trả phòng về lại TP.HCM, nhân viên phục vụ tá hỏa khi chứng kiến cảnh phòng ốc ngổn ngang bao cao su, vỏ thuốc lắc và cả những chiếc quần lót bị vứt lại”.
Thay cho lời kết, chúng tôi cho rằng văn hóa tự nó có quy luật đào thải, cái gì là tốt sẽ tồn tại qua thời gian. Tuy nhiên, nếu những bữa tiệc bikini là môi trường để ‘hư hỏng hóa’ con người bằng thuốc lắc, bằng lối sống bầy đàn như trong bài báo của Tuổi trẻ đã nêu thì rất đáng lên án.