Theo xác nhận của Không quân Ba Lan, hiện trường chiếc MiG-29 của lực lượng này rơi gần làng Paslek, tỉnh Warmia-Mazury (tỉnh có chung đường biên giới với vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga).
Dù không cho biết nguyên nhân của vụ việc nhưng nguồn tin này tiết lộ, chiếc MiG-29 này rơi khi đang thực hiện nhiệm vụ đêm. Viên phi công đã nhảy dù trước khi máy bay đâm xuống đất nhưng do bị thương nặng và thiệt mạng sau khi được đưa đi cấp cứu.
Defence-blog cho biết, đây là lần thứ 2 kể từ cuối năm 2017 đến nay, tiêm kích MiG-29 Ba Lan bất ngờ đâm xuống đất khi thực hiện nhiệm vụ. Lần tai nạn trước đó xảy ra vào ngày ngày 19/12.
Hiện trường chiếc MiG-29 của Ba Lan rơi. |
Đại tá Piotr Iwaszko cho biết: "Trước khi máy bay đột ngột mất liên lạc và rơi, phi công đã không báo cáo bất kỳ sự cố nào trong quá trình bay".
Dù nguyên nhân cụ thể của cả 2 vụ tai nạn không được tiết lộ nhưng theo Đại tá Piotr Iwaszko, công việc điều tra và khắc vụ hậu quả đang được nhà chức trách khẩn trương tiến hành.
Được biết, dù là thành viên rất tích cực của NATO trên tuyến đầu chống Nga nhưng trong trang bị của Quân đội Ba Lan hiện còn rất nhiều vũ khí có nguồn gốc Liên Xô, trong đó có tiêm kích MiG-29 dù chúng bắt đầu bị lên kế hoạch thay thế.
Để thay thế MiG-29, Ba Lan đã tính đến các ứng viên như JAS 39 Gripen, F-35 và mua thêm F-16. Tuy nhiên, mọi phương án mới đang nằm trên giấy. Không chỉ có kế hoạch loại biên MiG-29, Không quân Ba Lan cũng có quyết định quan trọng khi cho loại biên 2 chiếc cường kích Su-22M4 với số hiệu N7411 và N8102.
Cả hai chiếc chiến đấu cơ này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1985, cùng năm đó chính thức biên chế cho Không quân Ba Lan. Những chiếc Su-22M4 đã thực hiện an toàn, thành công gần 3.000 lần cất hạ cánh trong suốt hơn 30 năm qua. Cường kích Su-22M4 là biến thể xuất khẩu của mẫu Su-17M4 do Liên Xô sản xuất.
Su-22M4 được nâng cấp mạnh mẽ về hệ thống điện tử hàng không với hệ thống định vị RSDN, hệ thống định vị quán tính, hệ thống radar cảnh báo SPO-15LE Sirena, la bàn vô tuyến, đặc biệt là hệ thống đo xa laser Klyon-54 (đặt ở đầu mũi)
Phi đội MiG-29 của Ba Lan trong một lần trình diễn cho truyền thông nước này. |
Dù vẫn sở hữu khả năng cực ấn tượng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, dòng chiến đấu cơ này đang dần bị loại bỏ và thay thế bằng những sản phẩm hiện đại hơn do phương Tây sản xuất.
Theo Tạp chí The Aviationist, Không quân Ba Lan bắt đầu đưa vào trang bị F-16 từ năm 2006 với 48 chiếc được đặt mua. Hiện tại phi đội tiêm kích đa năng F-16 của Không quân Ba Lan tập trung chủ yếu tại hai căn cứ Krzesiny-Poznan và Lask ở miền trung nước này.
Tuy nhiên, nền tảng chính của Không quân Ba Lan vẫn dựa trên các dòng máy bay quân sự do Liên Xô chế tạo trước đây điển hình như MiG-29 mặc dù nước này đang nỗ lực loại biên.