1. Để trán cao: Hai thế kỷ trước, một trào lưu làm đẹp chiếm ưu thế, thể hiện rõ trên các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, đó là để trán rộng. Bằng mọi cách, phụ nữ quý tộc thời ấy làm cho vầng trán của họ cao rộng hết mức có thể, từ việc nhổ bớt lông mày cho đến kéo hết tóc ra sau, lộ cả đường chân tóc.
2. Lông mày dính liền nhau: Vào những năm trước công nguyên, ai có đôi lông mày dính liền nhau sẽ được xem là người trong sáng và thông minh. Với những ai không có đặc điểm như thế, họ sẽ sử dụng bột màu đen gọi là Kohl để nối hai hàng lông mày lại với nhau.
3. Dán nốt ruồi giả: Vào thế kỷ 18, phụ nữ phương Tây thường chuộng phong cách trang điểm cầu kỳ với điểm nhấn là nốt ruồi. Thậm chí, họ còn sử dụng miếng dán nốt ruồi với đủ kích cỡ và hình dáng khác nhau. Ban đầu, người ta chỉ sử dụng những miếng dán này như cách che đi vết sẹo trên cơ thể. Sau này, nốt ruồi trở thành trào lưu làm đẹp của rất nhiều chị em kéo dài đến tận đầu thế kỷ 19 mới biến mất dần.
4. Cạo bỏ lông mày, lông mi: Ở châu Âu thời Trung Cổ, lông cơ thể không được ưa thích lắm nên phụ nữ ở đây thường cạo phần tóc ở trán, đồng thời cạo và nhổ sạch các loại lông trên mặt, đặc biệt là lông mày và lông mi. Nguồn gốc của trào lưu này có lẽ xuất phát từ căn bệnh còi xương khiến cho tóc trên người bị rụng, và khi một người dân quyết định cạo sạch để cho khỏi phiền phức, thế là bỗng nhiên nó trở thành trào lưu làm đẹp trong suốt một quãng thời gian dài.
5. Vẽ lông mày thành nhiều dáng: Ở Trung Hoa cổ đại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9, phụ nữ thường nhổ hoặc cắt xén bớt đôi mày tự nhiên của mình rồi tạo hình lại cho chúng bằng cách vẽ lên đó. Và đôi chân mày mới này thường có những hình thù trông rất kỳ quặc, nếu nhìn nhận theo thẩm mỹ của chúng ta ở thời đại này.
6. Nhuộm răng đen: Ở một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia… người dân có tập tục nhuộm răng sang màu đen, và mãi đến đầu thế kỷ 20, tập tục này mới giảm dần và mất hẳn.
7. Xăm miệng cười: Trong cộng đồng người Ainu, một tộc người thiểu số ở Nhật Bản và Nga, phụ nữ có truyền thống xăm hình một khuôn miệng cười lên mặt. Họ tin rằng điều đó sẽ giúp họ lấy được chồng và tìm được sự thanh thản ở thế giới bên kia sau khi họ chết.
8. Kéo dài sọ: Tập tục kỳ lạ này xuất hiện ở rất nhiều cộng đồng người trên khắp thế giới. Mục đích của cách làm này là để tạo đặc điểm riêng cho từng cộng đồng người, hoặc thể hiện địa vị xã hội.
9. Nuôi móng tay dài: Móng tay dài tượng trưng cho sự giàu có, quyền lực, và hưởng thụ của giai cấp thống trị trong xã hội Trung Hoa thời phong kiến. Nếu không thích để móng tay dài, người ta có thể đeo những chiếc móng bằng vàng để thay thế.
10. Bó chân: Chỉ khi có được đôi chân nhỏ nhắn, thon thả thì các thiếu nữ Trung Quốc mới mong lấy được chồng giàu sang. Trào lưu này thịnh hành gần 1.000 năm trước rồi bị hủy bỏ bởi tác hại lâu dài đối với sức khỏe.
11. Nuốt sán để giảm béo: Đây là phương pháp kinh dị thịnh hành vào đầu thể kỷ 20, các cô gái muốn có thân hình đẹp sẵn sàng nuốt miếng thịt có sán và trứng sán dây. Khi đã có được cân nặng mơ ước, họ sẽ uống thuốc tẩy giun để bài tiết sán dây ra khỏi cơ thể.
12. Tắm trắng bằng thủy ngân: Vào thế kỷ 16, người ta cho rằng chỉ có những người phụ nữ sống trong giàu sang mới có được làn da trắng bệch, còn phụ nữ tầng lớp thấp, lao động chân tay thì luôn có làn da đen, thiếu sức sống. Chính vì vậy, làn da nhợt nhạt được coi là biểu hiện của sức khỏe tốt và sự quý phái. Để có được làn da trắng như ý muốn, những phụ nữ thời đó được cho là đã sử dụng thủy ngân để bôi lên mặt. Cách chăm sóc da này được phụ nữ quý tộc đặc biệt ưa chuộng, thậm chí nhiều người còn pha thủy ngân vào sữa để tắm trắng.