Cậu bé Cấn Xuân Minh (9 tuổi, Hà Nội) học ở một ngôi trường song ngữ nằm ở lưng chừng núi Vua Bà, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Mỗi ngày, trên hành trình tới trường, Xuân Minh đều được ngắm nhìn những con đường xuyên hàng cây xanh ngắt, những quả đồi, nông trại rộng lớn, yên bình...
"Con rất thích thiên nhiên nên 9 tháng tới trường, ngày nào cũng đi con đường ấy mà con không thấy chán. Nhưng con rất thèm ngắm biển. Con luôn chờ tới những kì nghỉ để có thể cùng bố mẹ tới vùng biển nào đó, tắm biển và nghịch cát, ngắm nhìn không gian khác biệt với ngôi trường trên đồi hay thành phố đông đúc”, cậu bé chia sẻ.
Thấu hiểu mong mỏi của con trai, hàng năm, vợ chồng chị Đào Thị Ngọc Mai (36 tuổi, nhân viên ngân hàng) và anh Cấn Thành Việt (36 tuổi, kiểm toán viên) đều dành thời gian đưa con du lịch biển. Mùa hè, họ thường gác lại một phần công việc để “nghỉ hè cùng con”.
Cả nhà nghỉ hè cùng con
Hè năm 2022, Xuân Minh và bố mẹ lần đầu trải nghiệm chuyến lái xe kéo dài 9 ngày, từ Hà Nội vào tới Đà Nẵng. Trong chuyến đi, thấy con phấn khích khi tới những vùng đất mới, vợ chồng chị Mai nảy ra ý tưởng lái xe xuyên Việt. Ngay khi bố mẹ chia sẻ, Xuân Minh reo lên thích thú.
Hè năm 2023, ngoài bố mẹ, chuyến nghỉ hè của Minh còn có sự đồng hành của ông bà ngoại (cùng 67 tuổi, Hà Nội). Ngày 10/6, gia đình 5 người bắt đầu hành trình lái xe xuyên Việt. Trong 7 ngày, họ từ Hà Nội đi men theo cung đường ven biển để tới TP.HCM. Trên chiều về, gia đình lựa chọn các tuyến đường cao tốc để có thêm thời gian nghỉ dưỡng.
Gia đình Hà Nội check-in tại TP.HCM
|
"Trong 16 ngày, cả nhà con qua 16 tỉnh, thành phố khác nhau. Con được tắm trên 11 bãi biển dọc Việt Nam, chưa kể những bãi biển gia đình đi ngang qua, dừng lại ngắm cảnh, chụp ảnh hay nghỉ ngơi”, cậu bé Xuân Minh tự hào kể.
"Ngày nào con cũng tắm biển thỏa thích cả sáng và chiều, ngắm bình minh và hoàng hôn rất đẹp. Con sống như một ngư dân vậy”, Minh dí dỏm nói thêm.
Đây là lần đầu tiên cậu bé 9 tuổi được rong ruổi ngắm nhìn sự thay đổi của các vùng biển dọc từ Bắc vào Nam. Trong nhật ký hàng ngày, Minh ghi lại, nơi cậu bé thích nhất là bãi biển Đà Nẵng. Bãi cát siêu mịn trải dài, trắng tinh ở đây là nơi lý tưởng cho trò chơi xây lâu đài cát mà Minh yêu thích. Trong khi đó, vùng biển hoang sơ, đẹp nhất trong mắt cậu bé lại là Đại Lãnh (Khánh Hòa). Dù để tới đây, Minh phải “nghiêng ngả” trên xe, vượt quãng đường đèo Cổ Mã khá xa, vất vả.
Minh thường dậy từ 5h sáng, theo ông bà đi bộ thể dục dọc bờ biển |
Cả nhà học cùng con
Trong 16 ngày xuyên Việt, Xuân Minh không chỉ được ngắm cảnh, vui chơi thỏa thích mà còn duy trì việc ôn bài, học tập một cách rất tự giác, hiệu quả nhờ “chiêu” hay của mẹ.
Hàng ngày, gia đình thường lái 200 - 300km. Trên xe, thay vì nghe nhạc, cả nhà chị Mai lựa chọn nghe một kênh radio về lịch sử. Xe tới vùng đất, địa phương nào, chị sẽ chọn chương trình giới thiệu về lịch sử địa phương đó. Ông bà, bố mẹ và Xuân Minh trao đổi sôi nổi về những chi tiết thú vị vừa nghe.
"Đến khi kết thúc hành trình, trở về nhà, mình rất bất ngờ vì con nhớ nhiều sự kiện lịch sử. Trong bữa cơm, con nói chuyện lịch sử một cách rành mạch, rõ ràng”, chị Mai cho biết.
Ngoài nghe radio, chị Mai còn chuẩn bị trên xe một vài cuốn sách, trong đó có bộ truyện Thần đồng Đất Việt. Cả gia đình có thể vừa đọc giải trí vừa tìm hiểu lịch sử.
Trên xe, gia đình nhỏ mang theo những cuốn sách hay về lịch sử
|
“Trẻ con rất dễ chán nên mình tìm hiểu và bày ra những trò chơi hấp dẫn với con như nối chữ, tìm bộ phận cơ thể theo chữ cái, thi tìm từ láy, thi quan sát cảnh vật trên đường theo màu sắc… Cả nhà cũng hay nghe câu đố trên kênh Youtube BrightSide và thi trả lời nhanh. Nhiều câu đố rất thú vị, làm khó cả ông bà, bố mẹ lẫn Minh. Khi đáp án được tìm ra, cả nhà cười ngặt nghẽo, quên hết mệt mỏi hay buồn ngủ”, chị Mai chia sẻ.
Hàng ngày, chị Mai khuyến khích Xuân Minh viết lại nhật ký hành trình: nơi con thích, điều thú vị, món con thấy ngon… Còn anh Việt thì dành 15-30 phút mỗi ngày cùng con làm toán. Các bài tập này được tải sẵn và lưu trên ipad. Hai bố con có thể “thi đấu” ở bất kỳ nơi đâu.
Đồng hành để cùng con trưởng thành
Đây cũng là chuyến xuyên Việt đầu tiên của ông bà ngoại và bố mẹ Xuân Minh. Chị Mai thừa nhận, cả gia đình ban đầu đều trong tâm trạng lo lắng xen lẫn háo hức về hành trình. "5 người trong gia đình là những người bạn đồng hành thực sự, cùng nhau tìm hiểu, khám phá, học hỏi lẫn nhau”, chị Mai chia sẻ.
Khi đi qua Lăng Cô (Huế), nhiều người bán mực rong vây quanh gia đình chị Mai. Liên tục được mời chào mua hàng, chị Mai “vô tình” hồi đáp: “Em chưa mua bây giờ. Khi nào trên đường về, em sẽ mua cho chị”. Nghe thấy cuộc trò chuyện của mẹ, Xuân Minh khá giận dữ. Cậu bé cho rằng “mẹ nói dối”.
"Sao mẹ lại nói như thế? Khi mẹ quay về liệu mẹ có gặp được cô ấy không và mẹ có mua không? Mẹ làm như vậy là đang gieo cho cô ấy hy vọng. Nếu khi quay về mẹ không mua, mẹ thấy sao?”, cậu bé nói. Chị Mai sững sờ trước câu hỏi của con. Chị phải cặn kẽ giải thích, do đang trên đường di chuyển, xe không đủ không gian để mẹ mua quá nhiều đồ.
Tối đó, khi gia đình đi ăn, họ lại gặp những người bán mực rong. Minh bày tỏ mong muốn mẹ có thể mua giúp người bán rong một chút. “Cô ấy đi bán vất vả quá mẹ ạ, con thấy thương lắm. Mẹ mua giúp cô nhé”, Minh năn nỉ mẹ. Cả nhà đều bất ngờ với phản ứng của cậu bé nên đồng ý mua. Sau khi trả tiền, Minh còn nhắn nhủ: “Con chúc cô bán đắt hàng ạ!”.
"Trẻ con rất vô tư, tốt bụng. Những hành động đó của con cũng là bài học với người làm cha mẹ như mình”, chị Mai nói.
Chị Mai cũng cho rằng, sự tham gia của ông bà là một điểm nhấn đáng nhớ. Đây là cơ hội để ba thế hệ trong gia đình gần gũi, dễ dàng kết nối hơn. Xuân Minh học được nhiều thói quen tốt của ông bà như dậy sớm, tập thể dục đều đặn, đi ngủ đúng giờ...
"Vợ chồng mình không cho rằng, nghỉ hè cùng con là sự hy sinh công việc, thời gian của bố mẹ. Chính con là động lực để mình lên đường, có quãng thời gian để gần gũi con, bố mẹ, tái tạo năng lượng", người mẹ Hà Nội bày tỏ.