Ba năm về trước, anh không may bị một tai nạn giao thông. Dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng anh vẫn không thể đi lại bình thường được, phải nghỉ việc. Vợ anh hết sức thông cảm với chồng, đã mở quán cà phê tại nhà cho chồng làm chủ.
Chị đưa cả mấy đứa cháu chồng ra phụ việc. Dù là nghề tay trái nhưng như để bù lại cho thiệt thòi của anh, quán ngày càng phát đạt, công việc không ít. Ấy vậy nhưng cái cảm giác buồn bã vẫn đeo riết lấy anh. Nhất là vì người vợ không thể bỏ công việc hiện tại để ở nhà kinh doanh như ý nguyện của chồng. Bởi chị là một chuyên gia giỏi, thu nhập và uy tín đều cao. Những lần phải xa vợ vài ngày vì các chuyến công tác trong và ngoài nước của vợ khiến anh luôn nghĩ ngợi. Mỗi khi chứng kiến các đôi uyên ương (không phải vợ chồng) tình tứ khi vào quán, anh lại thấy ruột gan như lửa đốt. Điện thoại cho vợ thì nghe tiếng thì thào “em đang họp”, sao mà giống cái điệu bộ của vị khách nữ trong quán mà anh tình cờ nghe lỏm được đến thế! Quán cà phê hay khách sạn, có khác gì cơ quan lúc đang yên ắng trong cuộc họp đâu!
Ảnh minh họa. |
Thực ra, thâm tâm người chồng rất biết ơn sự nhẫn nhịn, hy sinh của vợ. Nhưng nỗi mặc cảm bệnh tật, đố kỵ với sự thăng tiến của vợ, cộng với tính gia trưởng đã khiến anh luôn cảm thấy mình “mất vai trò quan trọng” trong mắt vợ. Cứ thế, khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng rộng mãi. Bản thân vợ anh cũng cảm thấy ngột ngạt với những câu tra khảo của chồng. Chị hay về muộn hơn với lý do công việc bận. Có chuyến công tác dù không cần thiết lắm chị vẫn cứ đi - là suy diễn của chồng chị thôi - chứ anh nào phân biệt được. Anh thấy chị đi công tác nhiều hơn, lại dài ngày hơn thì sôi sùng sục.
Vấn đề của anh là vợ chồng không có sự trao đổi với nhau thẳng thắn khi cuộc sống đặt người ta vào một thử thách mới. Anh thì ôm trong lòng mối mặc cảm nặng nề, chị thì không tìm cách chia sẻ, “gỡ mối tơ lòng” cho anh. Lâu dần đã hình thành một mối quan hệ vợ chồng tương kính như... người dưng, người này là một ốc đảo với người kia.