Ly kỳ Trấn Yên, Lạng Sơn: Miếu thờ kẻ cướp và lễ hội làm quỷ ma

Trấn Yên thuộc huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) nổi tiếng là vùng đất với những điều ly kỳ đến khó tin.

Ly kỳ Trấn Yên, Lạng Sơn: Miếu thờ kẻ cướp và lễ hội làm quỷ ma
Tôi tò mò lên Trấn Yên thuộc huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) bởi những chuyện khó tin. Trời rét như cắt. Đi xe máy từ thị trấn Bắc Sơn tới xã Trấn Yên cho dù chỉ chừng bốn mươi phút nhưng mây mù sương giăng khắp lối.
Như một kẻ đi săn tôi phải phát hiện ra những tảng đá bất chợt lăn từ trên núi xuống nếu không dễ lăn xuống vực như chơi. Thỉnh thoảng lại có bóng cô gái áo chàm đeo túi đi trên đường. Tôi cứ lầm lũi đi trong sắc chàm đó.
Miếu thờ kẻ cướp
Khi đi qua thôn Khưa Cả (nơi chỉ có người Tày, Nùng sinh sống) tôi thấy có mấy người lúi húi thắp hương tại một ngôi miếu. Lại có cả cánh lái xe tải đi qua cũng dừng lại. Họ thành kính chắp tay cầu điều gì đó. Sau đó tôi mới biết đây chính là miếu Xa Vùn, nơi thờ một bọn cướp.
Ô lạ! Sao lại phải thờ cướp nhỉ!? Người trông coi miếu là ông Hoàng Văn Dần kể cho biết đây là câu chuyện xa xưa, xảy ra rất thê thảm cho dân ở một thôn bản Khưa Cả.
Bởi chưng cuộc sống đang yên lành bỗng đâu có 12 tên cướp xộc đến đập phá nhà cửa và lấy đi tất cả của cải. Không những thế chúng còn đánh đập và giết người khi có ai ngăn cản.
Dân trong bản bí mật họp bàn tìm cách giết bọn cướp này không để chúng là mối hiểm họa cho cuộc sống yên bình bấy lâu nay. Mọi người bày mưu tính kế vây bắt và giết sạch bọn cướp bên sườn núi. Sau đó họ bỏ xác của chúng vào những chiếc bao rồi ném xuống suối để trả về cát bụi.
Ly ky Tran Yen, Lang Son: Mieu tho ke cuop va le hoi lam quy ma
Thung hoa Bắc Sơn nhìn từ trên cao. 
Nhưng oái oăm thay, xác bọn cướp trôi chưa bao xa, chỉ đến ngã ba suối ở Phai Lý (Trấn Yên) thì mắc cạn. Những cái xác trương phình nằm ngổn ngang bên những tảng đá gai nhọn và bốc mùi ám khí làm trời đất u ám.
Gió bão rung cả rừng cây. Dân làng Phai Lý bèn bảo nhau chôn cất lũ cướp này thật tử tế gọi là làm phúc và cầu xin sự bình yên cho xóm làng. Vậy mà cuộc sống đâu có yên. Từ đó mùa màng thất bát. Gia súc bị chết dần không rõ nguyên nhân.
Tại ngôi mộ chôn chung xác lũ cướp bỗng có một tổ ong lớn. Hàng ngàn con ong bay ra đốt chết cả người. Dân bản ai nấy hoang mang hoảng sợ hết hồn. Thầy trong bản nói với dân cần phải lập miếu thờ chúng may ra mới trừ được thiên tai hiểm họa.
Quả nhiên khi lập miếu thờ, đàn ong bay đi vào rừng. Quanh miếu bỗng dưng có 18 cây gỗ nghiến mọc xung quanh. Ngày mỗi ngày dân sống trở lại yên vui. Mùa màng bội thu. Cây trái sum suê. Trâu bò dê gà đều khỏe mạnh. Những cây gỗ nghiến lớn nhanh tựa cánh rừng ngả tán che quanh miếu. Đến nay theo như các nhà khảo cổ nói những cây gỗ nghiến này cũng đã tồn tại hơn năm thế kỷ.
Nghe câu chuyện thật ám ảnh và thú vị. Tôi định lấy máy ra chụp ảnh thì bị mọi người ngăn lại. Ở đây họ không cấm chụp ảnh nhưng phải kiêng kỵ vì sẽ mang họa vào thân. Tôi giật mình bán tín bán nghi. Mê tín quá chăng.
Nhìn cánh lái xe âm thầm vái vọng rồi mới tiếp tục lên đường, tôi cũng thấy trờn trợn gai sống lưng. Có người kể một anh chàng bí mật tìm cách leo lên một trong những cây nghiến để chụp ảnh toàn cảnh hội trong làng và chớp một cảnh lễ ở miếu.
Nhưng khi xem lại phim thì toàn một màu trắng bệch như mắt người chết. Có những phim hiện hình thù kỳ quái, dữ tợn. Mải xem anh ta còn bị vấp ngã dúi vào gốc cây chảy máu đầu mãi không đứng dậy được.
Nghe vậy tôi dúi máy ảnh xuống thật sâu dưới ba lô vì chỉ sợ nhỡ quên lại lôi máy ra chụp thì chẳng biết thế nào. Họa đâu chưa thấy chỉ sợ họ thu mất máy.
Lễ hội làm quỷ ma
Theo như ông Hoàng Văn Chuẩn, Chủ tịch xã Trấn Yên nói, thì tục bôi nhọ mặt người giống ma quỷ cũng xuất phát từ hệ lụy 12 tên cướp chết tại mảnh đất này. Các cụ xưa lý giải rằng khi những tên cướp chết đi thì linh hồn sẽ biến thành ma quái vẫn ám ảnh tinh thần của mọi người.
Vậy nên để đối phó lại những linh hồn đen tối đó người dân có tục lễ cúng Ná Nhèm (Bôi nhọ). Đây chính là lễ hội hóa trang độc đáo ra đời từ rất sớm của đồng bào Tày Nùng ở Trấn Yên.
Các thanh niên được chọn làm ma quỷ được bôi đen lên mặt càng kỳ quái càng tốt. Họ phải vẽ mặt sao cho giống ma quỷ để những hồn ma cướp sợ không dám quay về bản quấy nhiễu nữa. Đó là tục lệ biến người thành ma sống dọa trừ ma chết để giữ yên cuộc sống cho dân lành. Trong sâu sa đời sống tâm linh con người muốn cầu đức vua và thần thánh phù hộ cho mọi người khỏe mạnh, mùa màng bội thu và gia súc đầy đàn.
Cùng với tục bôi nhọ mặt người, dân Trấn Yên còn tiến hành mô phỏng lại trận đánh giặc giữ làng để tưởng nhớ đến Đức thánh Cao Sơn Quý Minh (thành hoàng làng Mỏ). Đặc biệt trong lễ hội phải có màn rước "Sinh thực khí" nam và nữ. Tôi càng tò mò và lấy làm ngạc nhiên vì tục rước "của quý" chỉ có ở đây.
Cả hai "của quý" sẽ được các thanh niên hóa trang làm ma quỷ rước từ sân quảng trường qua miếu (Xa Vùn) về đình làng (Mỏ). Đây là tục lệ có từ xa xưa nhưng mới được phục dựng lại với quy mô lớn và tiến hành rước hoành tráng hơn. Những người dân ở làng chỉ hiểu được đây là màn rước thể hiện sự sinh sôi nảy nở cầu mong cuộc sống đầy đủ ấm no.
Tôi sực nhớ đến tục lễ thần của đồng bào Chăm ở phía nam nước ta với bố cục hình tượng Linga và Youni trong các đền tháp. Sự phồn thực là một tín ngưỡng và văn hóa trong cộng đồng người Chăm. Nhưng nó được tiến hành mang tính biểu tượng và được tôn thờ như một lẽ sống. Có vùng người Chăm cũng tiến hành múa với sinh khí thực nam trần trụi nhưng cũng chỉ lắp ghép bộ phận sinh dục với người múa nam mang tính tạo hình.
Nhưng riêng lễ rước "Của quý" ở Trấn Yên lại trần trụi và chân thực đến mãnh liệt. Tất nhiên hình tượng "Sinh khí thực" của nữ (gọi là Mặt nguyệt) đã được tô vẽ mang tính biểu trưng chứ không "dữ dội" như "Sinh thực khí" nam (gọi là Tàng thinh).
Ly ky Tran Yen, Lang Son: Mieu tho ke cuop va le hoi lam quy ma-Hinh-2
Đội hát Then ở thôn Quỳnh Sơn (Bắc Sơn). 
Theo các nhà nghiên cứu thì tục rước "của quý" tiến vua của đồng bào Tày Nùng ở vùng này được hình thành từ thời nhà Mạc (1527-1592). Sau khi nhà Mạc thất thủ rút lên vùng Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Giang tại vị một cõi thiên hạ cho tới năm 1677 mới tan rã.
Trong thời gian này có ngày quân Lê Trịnh giết tới hàng ngàn người họ Mạc. Nhiều người phải ẩn mình trốn tránh đổi họ thay tên. Họ mong dòng tộc được tồn tại và phát triển sau này.
Những người họ Hoàng và họ Bế (gốc họ Mạc) đã làm lễ rước "Sinh thực khí" nam và nữ dâng đức vua Mạc Thái tổ. Họ mong ngài che chở phù trợ cho dòng họ Mạc đang mai danh ẩn tích muôn đời được sinh sôi lớn mạnh.
Vậy xem ra việc rước "Sinh thực khí" của người dân tộc Tày-Nùng ở đây rất sâu sắc về ý nghĩa xã hội trong lịch sử và văn hóa tâm linh. Sau khi lễ rước xong phải được hóa thành tro mới được coi là đức vua đã nhận và ban phước lành cho dân làng.
Năm 2016, lễ hội Ná Nhèm đã được trao bằng Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Ngắm một hình ảnh "Tàng thinh" của năm 2019 mà tôi ngỡ ngàng.
Cành đào và tiếng đàn Tính
Tôi định rời Trấn Yên trước khi trời tối nhưng lại cảm thấy vấn vương vì ngỡ như còn thiếu điều gì đó. Bất chợt một đàn chim bay về rừng xa. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo thì bỗng phát hiện ra một rừng đào đã bắt đầu khoe sắc. Đó có thể là một vườn đào rừng hoang. Ở đây gia đình nào cũng trồng một cây đào nhưng đều còn mới chớm đơm nụ hồng.
Họ hãm cho đến đúng ba mươi tết mới được nở bung. Tôi thở phào như được bù đắp tâm hồn bằng những cánh hoa trên cao thì có tiếng hát vang lên cùng tiếng đàn Tính. Hình như đây mới là điều tôi mong chờ. Bởi nhà văn Nguyễn Thị Mai (Hội Văn nghệ Lạng Sơn) gặp tôi dặn dò nếu về Bắc Sơn không được nghe hát Then quả là thiếu sót.
Và đây tiếng đàn Tính vang lên thánh thót từ ngôi nhà Văn hóa xã. Đúng như các cụ nói nghe đàn Tính dù chỉ một lần sẽ nhớ tới ba năm. Lời then vang lên tình tứ: "Chết thì chết em cũng không buông anh về. Buông anh như buông muối xuống biển.
Buông trăng còn tháng gặp một lần. Buông anh thì anh đi mãi mãi". Tôi nghe thấy trái tim đập rộn ràng. Phải chăng người Tày có câu: "Già qua đường nghe tiếng lượn then. Về nhà như biến thành trai trẻ". Ngẫm thấy đúng. Bởi tôi làm mọi cách mà chiếc xe không nổ máy. Có lẽ Trấn Yên đã cầm chân tôi ở lại một đêm Then.

Chiêm ngưỡng kiến trúc “Quốc Tử Giám” của phương Nam

Đến Vĩnh Long, du khách được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ nổi tiếng bậc nhất xứ Nam Kỳ ở Văn Thánh Miếu – nơi được mệnh danh là “Quốc Tử Giám” của phương Nam.

Chiêm ngưỡng kiến trúc “Quốc Tử Giám” của phương Nam
Chiem nguong kien truc “Quoc Tu Giam” cua phuong Nam
  Văn Thánh Miếu tọa lạc trên một vùng đất rộng, bên dòng Long Hồ giang, thuộc phường 4, thị xã Vĩnh Long, được xây dựng và hoàn thành trong vòng hai năm từ 1864 - 1866. 

Tận mục những ngôi miếu độc nhất vô nhị ở xứ Huế

(Kiến Thức) - Miếu Đôi, miếu Chiêu Ứng Từ và miếu Âm Hồn là những ngôi miếu cổ rất đặc biệt của Cố đô Huế. Cùng điểm qua những nét chính của các ngôi miếu này.

Tận mục những ngôi miếu độc nhất vô nhị ở xứ Huế
Tan muc nhung ngoi mieu doc nhat vo nhi o xu Hue
1. Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là một trong hai ngôi làng cổ được công nhận là Di tích quốc gia của Việt Nam. Ngày nay, làng vẫn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc có tuổi đời hàng thế kỷ, trong đó có ngôi Miếu Đôi độc đáo nằm ở đầu làng.

Ảnh xưa hiếm có về Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội

(Kiến Thức) - Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long được coi là biểu tượng học vấn nghìn năm của nước Việt. Cùng xem những hình ảnh lịch sử quý giá về di tích này được ghi lại vào thời thuộc Pháp.

Ảnh xưa hiếm có về Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội
Anh xua hiem co ve Van Mieu - Quoc Tu Giam Ha Noi
Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội nhìn từ máy bay, thập niên 1930.  

Đọc nhiều nhất

Tin mới