Chiều nay (6/8), Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã chủ trì buổi thông tin với báo chí về những vấn đề trong việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19.
Sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Công điện số 18 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 thêm 15 ngày, đến 6h ngày 23/8.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong |
Phân tích về quyết định này, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, từ ngày 24/7 đến nay, sau gần 2 tuần, Chỉ thị 17 đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu.
Tuy có những mặt được là cơ bản, nhưng cũng có những khó khăn, phức tạp, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh có nguy cơ rất cao, bởi Hà Nội là trung tâm cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia nên thực tế Hà Nội không thể “đóng cứng”, vẫn có giao thương, vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, xung quanh Hà Nội, các tỉnh vẫn có dịch; các ca bệnh nằm rải rác ở khắp 30 quận, huyện, trong đó nhiều quận huyện có số ca mắc lớn, như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh...
Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp, như khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, các khu dân cư đông người…, còn nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.
“Chính vì thế, nếu dừng việc giãn cách thì những thành quả, những kết quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua khó mà đảm bảo được”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Bí thư Hà Nội, việc giãn cách là cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch. Trong giai đoạn này cũng là cần thiết để củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt công tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình như vậy, qua báo cáo của các ngành, tư vấn của chuyên gia, thành phố quyết định thực hiện Chỉ thị 17 thêm 15 ngày”, ông Phong nêu rõ.
Thực hiện quyết liệt, thực chất hơn
Lãnh đạo Thành ủy cũng cho biết, với quan điểm luôn luôn chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và chuẩn bị cao hơn một bước so với diễn biến tình hình dịch bệnh, TP đã có nhiều chủ trương, biện pháp để chuẩn bị cho việc này.
Vừa qua, TP đã đưa vào sử dụng một bệnh viện, trung tâm thu dung, điều trị những người mắc F0 thể nhẹ tại Đền Lừ, Hoàng Mai với quy mô 1.000 giường và tới đây tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 5.000 giường.
Chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đối với UBND TP là trong thời gian ngắn nhất phải chuẩn bị 30.000 chỗ để thu dung, điều trị các ca F0 thể nhẹ. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có đề án, phân bổ thêm 2.500 giường bệnh cho Hà Nội; phối hợp với TP thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến tại Hoàng Mai, với quy mô 500 giường.
TP cũng chỉ đạo các quận, huyện chủ động thêm mỗi đơn vị từ 3.000-5.000 giường cách ly F1. Bên cạnh việc mua sắm trang thiết bị, bổ sung năng lực cho hệ thống y tế của TP, Hà Nội cũng làm việc với các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện tư nhân trên địa bàn để cùng phối hợp trong xét nghiệm cũng như điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Đặc biệt, bên cạnh các chính sách chung của Chính phủ, TP đã rà soát, quyết định hỗ trợ thêm cho các đối tượng, ngoài 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm từ giảm hội họp, đi công tác, Hà Nội quyết định tạm dừng mua sắm trang thiết bị từ nguồn chi thường xuyên, trừ các nội dung liên quan đến mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị 17 của TP, ông Nguyễn Văn Phong cho biết, TP xác định đây là một việc mới, khó, chưa có tiền lệ, nên Hà Nội đã nhanh chóng tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như việc giảm ùn tắc ở cửa ngõ, hoạt động vận chuyển hàng hóa, cấp phép cho các công trình xây dựng cấp thiết, đảm bảo an toàn... và sẽ tiếp tục điều chỉnh.
“Tinh thần là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 của TP quyết liệt, thực chất hơn; tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn có thể thực hiện các giải pháp cao hơn mức Chỉ thị 16 của Thủ tướng”, ông Phong nói.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân
Liên quan việc một số chợ đầu mối và một số cửa hàng Vinmart có F0 nên phải đóng cửa để phòng, chống dịch, quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, đối với chợ đầu mối phía Nam, lưu lượng hàng hóa qua chợ khoảng gần 300 tấn hàng/ngày, lượng rau củ quả chiếm 1/3, trái cây 2/3 và chủ yếu từ các tỉnh phía Nam ra, như vậy lượng rau củ quả không lớn lắm nên chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình cung ứng của Hà Nội.
Đối với chợ đầu mối Minh Khai, hầu hết tiêu thụ cho người dân tại các huyện của Hà Nội và một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam. Sở đã phối hợp với các huyện tập trung hàng hóa lại, giao cho hệ thống phân phối của các siêu thị thu mua nên giảm ở chợ đầu mối thì tăng ở các siêu thị, vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa trên địa bàn một cách bình thường.
TP cũng đang chỉ đạo Sở Y tế và Sở Công thương xây dựng hướng dẫn chung cho các điểm bán, khi có F0 phải đóng cửa và mở cửa trở lại phải đảm bảo yêu cầu dịch tễ. Dự kiến, sang tuần chợ đầu mối phía Nam sẽ hoạt động trở lại; còn chợ đầu mối Minh Khai đang triển khai phun khử khuẩn để nhanh chóng hoạt động trở lại.
Hiện Sở đang dự kiến một số điểm, gồm Bến xe Hà Đông; cụm công nghiệp Nam Hà Nội; khu tái định cư tại Tiên Dược, Sóc Sơn; khu triển lãm tại 489 Hoàng Quốc Việt và 1 điểm ở Gia Lâm... để trung chuyển hàng hóa, hạn chế vào các chợ đầu mối sâu trong nội thành.