Mọi người nên ăn kết hợp thịt, cá, hải sản và rau củ quả trong nồi lẩu để cân bằng âm - dương. Ảnh: Freepik. |
Lẩu là món ăn yêu thích của người Trung Quốc và Việt Nam vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hay những buổi gặp mặt, tụ họp. Là món rất ngon nhưng ăn lẩu nếu quá nhiều lại không thực sự tốt cho cơ thể.
Đặc biệt vào những ngày gặp mặt, với tâm lý vui vẻ và hưng phấn, mọi người có thể mất kiểm soát, cảm thấy càng ăn càng đói và nạp vào cơ thể một lượng lớn thức ăn trong lúc dùng lẩu. Điều này có thể dẫn tới hàng loạt vấn đề sức khỏe như khó tiêu, nóng dạ dày, tiêu chảy, khát nước…
Theo bác sĩ Diêm Ngọc Hồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Đông (Trung Quốc), lẩu là món ăn có nhiều gia vị trong nước dùng và nước chấm, luôn được đun sôi trong suốt quá trình ăn, thực phẩm ăn kèm đa dạng.
Do đó, việc ăn quá nhiều thực phẩm và húp nước lẩu nóng liên tục trong khoảng thời gian ngắn có thể dẫn đến tình trạng tích tụ nhiệt, gây nóng dạ dày hoặc chướng bụng.
Bác sĩ Diêm Ngọc Hồng nhắc nhở mọi người cần xem xét tình trạng sức khỏe của mình trước khi ăn lẩu. Tùy vào tình trạng của mỗi người để chọn nước lẩu phù hợp.
Ví dụ, người thừa nhiệt, đang bị nóng cơ thể cần tránh ăn lẩu cay và các gia vị cay nóng, chiên giòn. Nếu là người thể hàn, có thể ăn lẩu cay và các gia vị như ớt, tiêu, hồi, dầu ớt... Tuy nhiên, độ cay nóng cũng nên vừa phải để tránh gây hại cho cơ thể.
Lẩu thảo dược có chứa thành phần thuốc Bắc như đảng sâm, hoàng kỳ, đương quy, bạch chỉ... thích hợp với những người khí huyết yếu, cơ thể hàn ẩm. Tuy nhiên, loại lẩu này lại không thích hợp cho những người thể nhiệt.
Về thực phẩm dùng nhúng lẩu, theo bác sĩ Diêm Ngọc Hồng, mọi người nên ăn kết hợp thịt, cá, hải sản và rau củ quả để cân bằng âm - dương. Cần chọn các loại rau quả lá xanh như bí đao hay bắp cải, vì chúng không chỉ có tác dụng loại bỏ dầu mỡ, bổ sung vitamin mà còn giúp thanh nhiệt, giải độc.
Ngoài ra, củ cải trắng có thể làm giảm khí nóng, kích thích tiêu hóa, có lợi cho dạ dày và lá lách. Đậu phụ có tác dụng thanh nhiệt, làm giảm cảm giác khó chịu, dịu cơn khát.
Rau mùi (có rễ) lại giúp giải nhiệt, giải cảm, làm ấm dạ dày, là “bạn đồng hành tốt” với thịt bò và thịt cừu. Tảo bẹ giúp lợi tiểu. Bí ngô và khoai tây có thể được sử dụng thay thế cho tinh bột, giúp tăng cảm giác no.
Trong khi hàu, bào ngư có tác dụng hạ huyết áp, giảm tình trạng nóng gan. Thịt bò thường thấy trong các món lẩu, không chỉ giàu năng lượng mà còn có tác dụng bổ thận, thích hợp nhất cho những người suy nhược cơ thể. Lưỡi bò có tác dụng bổ tim, phù hợp với người dễ bị kích ứng, tức ngực, nghẹt thở, đánh trống ngực...
Theo bác sĩ Diêm Ngọc Hồng, dù là thịt, cá, hải sản hay rau củ quả có lợi cho sức khỏe, mọi người cũng cần ăn với số lượng giới hạn, không nên ăn một lúc quá nhiều vì khi đó tốt cũng biến thành hại.
Bên cạnh đó, bác sĩ Diêm Ngọc Hồng còn đưa ra một số lời khuyên khác để mọi người có một bữa lẩu lành mạnh hơn như:
- Khi ăn lẩu, mọi người cần thay nước dùng sau 40 phút. Nước súp được nấu quá lâu sẽ làm tăng lượng purine. Điều này làm tăng gánh nặng trao đổi chất của con người.
- Khi ăn lẩu nên kiểm soát thời gian, tổng lượng thức ăn và tần suất ăn, không nên ăn quá 2 lần/tuần. Những người bị bệnh gout hoặc có nồng độ axit uric cao cần chú ý kiểm soát tần suất ăn lẩu.
Bởi lẩu có chứa hàm lượng muối natri cao, lại nhiều thực phẩm giàu chất béo có hại cho sức khỏe. Ăn lẩu quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân cũng như các bệnh mạn tính. Lượng natri quá cao có trong lẩu cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp và các vấn đề về thận.
- Khi ăn lẩu, không nên dùng đồ uống có đá để không làm hại dạ dày. Hạn chế đồ uống ngọt, vì chúng chỉ thêm calo không cần thiết vào bữa ăn.
- Đảm bảo rằng thức ăn đã được nấu chín hoàn toàn để tránh bị ngộ độc thực phẩm, nước dùng lẩu và nước chấm không nên ăn quá mặn hoặc quá nhiều dầu mỡ.
- Khi ăn lẩu, cần để thức ăn nguội một chút trước khi cho vào miệng, tránh ăn lúc còn quá nóng sẽ dễ gây bỏng thực quản và dạ dày.