Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày tờ trình về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.
Đáng lưu ý, về trang bị của bộ đội biên phòng, dự thảo quy định, bộ đội biên phòng được trang bị máy bay, tàu thuyền, ô tô và phương tiện khác; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định pháp luật.
Bình luận về quy định này trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viên Hải quân cho rằng, bộ đội biên phòng là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, đóng vai trò nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới.
Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia, hệ thống dấu hiệu mốc quốc giới; đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, vượt biển, nhập cư, cư trú bất hợp pháp, khai thác trái phép tài nguyên và những hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự, gây hại đến môi trường ở khu vực biên giới; chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu.
Lực lượng Bộ đội biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum) tuần ta bảo vệ biên giới. Ảnh: TTXVN |
Với nhiệm vụ như trên, việc xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng ngày càng vững mạnh, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững pháp luật Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế, được trang bị các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí chiến đấu ngày càng hiện đại là vô cùng cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Đường lối của Quân đội nhân dân Việt Nam dựa vào dân là chính, nên khi đất nước chưa có đủ điều kiện về tài chính thì chủ yếu đi bộ, sử dụng mô tô, ô tô... Tuy nhiên, khi kinh tế đất nước đã phát triển, cần trang bị cho lực lượng bộ đội biên phòng đầy đủ các loại phương tiện, vũ khí, khí tài, kỹ thuật quân sự, phục vụ cho nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới trên đất liền, hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu.
Đặc biệt, theo tôi nên trang bị cho bộ đội biên phòng trực thăng để đi tuần trên không dọc biên giới và hải đảo. Ngoài ra, ở trên biển thì có thể trang bị máy bay trinh sát biển cho lực lượng này", Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đề nghị.
Nguyên Giám đốc Học viên Hải quân cũng lưu ý đến sự hiệp đồng giữa bộ đội biên phòng với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, hàng năm, các quân, binh chủng đều phải vạch kế hoạch hiệp đồng, nhưng không vì vậy mà thiếu trang bị cho các lực lượng.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm dẫn ví dụ, cảnh sát biển làm nhiệm vụ giữ gìn pháp luật, như quyền tài phán, quyền chủ quyền ở các vùng biển của Việt Nam, còn Hải quân chống ngoại xâm trên biển...
Trong khi đó, một trong các công việc của bộ đội biên phòng là tuần tra các cảng biển ven bờ, các đảo nên nếu trang bị trực thăng cho lực lượng này để họ cơ động từ đảo này sang đảo khác, hay đi quan sát ven đảo thì rất tốt bởi đất nước ta có tới hơn 3.000 hòn đảo.
"Khi kinh tế phát triển, đất nước có điều kiện thì cũng nên trang bị đầy đủ cho các lực lượng vũ trang, trong đó có bộ đội biên phòng", Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất trang bị cho bộ đội biên phòng trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho hay, có ý kiến cho rằng, quy định trang bị máy bay là chủ trương lớn, nhằm xây dựng bộ đội biên phòng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại” nên đề nghị nghiên cứu kỹ để phù hợp với thực tế hoạt động của lực lượng này.