Binh sĩ Nga đang áp sát biên giới Ukraine từ ba hướng. Từ Washington và Brussels, giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phát đi cảnh báo về áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay nếu Tổng thống Nga ra quyết định can thiệp quân sự ở Ukraine. Gia đình nhân viên Đại sứ quán Mỹ, và cả Nga, đang được rút khỏi thủ đô Kiev.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một số lựa chọn ngoại giao. Trong một vài ngày tới, chính quyền Tổng thống Joe Biden và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến có phản hồi bằng văn bản trước các đề xuất bảo đảm an ninh mà phía Nga đưa ra. Trong động thái được cho là thể hiện thiện chí ngăn chặn một cuộc xung đột, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken hôm 23/1 nói rằng “can dự về ngoại giao không loại bỏ từ ‘không’ ra khỏi kho từ vựng”.
Binh sĩ Ukraine trong chiến hào ở khu vực phòng thủ Popasna. Ảnh: NYT |
Vấn đề khúc mắc nằm ở chỗ liệu có một khả năng thỏa hiệp thực sự tiềm năng ở ba điểm mấu chốt nhất trong đề nghị của Nga: Ukraine không gia nhập NATO; NATO không mở rộng thêm nữa về phía đông và Moskva có thể phục hồi thế đứng tại khu vực thuộc vòng cung ảnh hưởng như đã từng có theo đúng bản đồ châu Âu trong những năm giữa thập kỉ 1990.
Dường như giới hạn cuối cùng trong cuộc đối đầu này cũng đã được Tổng thống Putin vạch rõ: Nga muốn dừng việc NATO kết nạp Ukraine làm thành viên và có được bảo đảm từ phía Mỹ và NATO về không triển khai vũ khí tấn công trên lãnh thổ Ukraine gây đe dọa an ninh cho Nga.
Ở hai khía cạnh này có vẻ cũng xuất hiện điểm dừng chấp nhận được với cả hai phía. Mỹ tuyên bố không bao giờ từ bỏ “chính sách mở cửa” của NATO, với hàm ý mọi quốc gia đều được quyền tự do lựa chọn gia nhập hay không gia nhập tổ chức này. Thế nhưng thực tế cũng rất rõ ràng: Ukraine chìm trong nạn tham nhũng, chưa thể đáp ứng các tiêu chuẩn để được NATO kết nạp thành viên trong ít nhất một đến hai thập kỉ tới.
Về điểm này, ông Biden cũng nói rất rõ ràng: Triển vọng để Ukraine gia nhập NATO trong ngắn hạn gần như không có. Nếu muốn là thành viên NATO, Ukraine có nhiều việc phải làm. Điều này dường như là một lời mời chào mở Mỹ gửi đến Nga về một hình thức bảo đảm an ninh nào đó. Đó có thể là việc quy chế thành viên NATO đối với Kiev là vấn đề sẽ không được đặt lên bàn trong một thập kỷ tới, hoặc thậm chí là ¼ thế kỷ tới. Nhưng đi kèm đó cũng là giới hạn đỏ của Mỹ: Không chấp nhận để Tổng thống Putin có quyền phủ quyết đối với quốc gia có thể gia nhập NATO.
Đối với chủ đề liên quan đến “trật tự châu Âu”, ông Putin cũng nói rõ mong muốn khôi phục “vòng cung ảnh hưởng” của Nga ở khu vực. Cụ thể hơn, đó là việc quay trở lại trật tự thời Chiến tranh Lạnh, một trật tự tồn tại trước khi hai nhà lãnh đạo Bill Clinton và Boris Yeltsin đạt đồng thuận vào năm 1997 về việc các nước thuộc Liên bang Xô Viết và khối Warsaw có thể tự chọn lựa việc có hay không gia nhập NATO. Kể từ thời điểm đó đến nay, liên minh này đã có số thành viên tăng gần gấp đôi.
Tổng thống Nga cũng muốn Mỹ, NATO rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu, dù rằng vũ khí này, chủ yếu là bom trọng lực hạt nhân, đã được bố trí ở Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Bỉ, trong nhiều thập kỷ qua. Khi được hỏi có rút vũ khí hạt nhân và dừng việc đồn trú binh sĩ luân phiên của NATO tại các nước thành viên vốn trước đây nằm trong khối Xô Viết hay không, ông Biden nói rằng “không có chỗ cho việc đó”.
Vậy liệu có cánh cửa nào cho đàm phán? Câu trả lời có thể là “có” - Rose Gottemoeller, người từng tham gia Hiệp ước New START, nhìn nhận. Theo bà, điều ông Putin quan tâm là tiếp xúc thượng đỉnh với ông Biden. Thực tế này mở ra khả năng hai nhà lãnh đạo cuối cùng cũng sẽ đạt được một sự hiểu biết sâu rộng hơn về tương lai của châu Âu. Tối thiểu, hai bên có thể xử lý được vấn đề hạt nhân thông qua việc khôi phục Hiệp ước các lực lượng tên lửa tầm trung (INF) – thỏa thuận mà ông Donald Trump từ bỏ.