Những ngày này, cả thế giới đang nín thở dõi theo từng cử động của Nhà Trắng (Mỹ). Syria đang tiến gần nhất tới bờ vực của một cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài, một cuộc chiến mới chồng lên cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 2 năm qua ở nước này.
Phải thừa nhận, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus đêm 20, rạng sáng 21/08/2013 khiến hơn 1.400 người thiệt mạng đã làm tình hình Syria bước sang một trang mới. Từ chỗ chỉ là cuộc nội chiến giằng co giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập do phương Tây và một số thế lực khu vực hậu thuẫn, giờ đây cuộc chiến ở Syria đã rẽ sang một ngã mới với sự tham gia của các lực lượng bên ngoài mà chủ lực là Mỹ và châu Âu. Liên tục các tuyên bố và hành động quân sự đã diễn ra trong những ngày qua với những diễn biến khó đoán định (Trích dẫn: Điều gì sẽ đến nếu Syria bị Mỹ tấn công?, đăng trên báo điện tử Dân Trí, ngày 03/09/2013).
Chiến tranh Mỹ - Syria sẽ xảy ra? Ảnh: Internet. |
Chắc chắn, chiến tranh leo thang ở Trung Đông sẽ làm mất ổn định thị trường năng lượng và tài chính ở khu vực cũng như toàn cầu, từ đó kéo lùi quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế và khắc phục khủng hoảng tài chính của thế giới.
Hiện nay, với mọi phát minh các kỹ thuật mới giết người hàng loạt, với sự đe dọa mới của bom nguyên tử và bom khinh khí, có khả năng tiêu diệt hoàn cầu, hòa bình trở thành nguồn cứu tinh duy nhất cho nhân loại. Do vậy những lời dạy của Đức Phật - vị được tôn xưng là sứ giả của hòa bình cần phải ôn lại, cần phải suy tầm suy tư, cần phải đem ra áp dụng và trở thành một nếp sống cho toàn thể loài người.
Như chúng ta đã biết, Đức Phật không bao giờ xem hòa bình như là một quà tặng từ đâu đến. Quan điểm của Ngài, hòa bình là kết quả của một ý chí quyết liệt, một cuộc tranh đấu kiên cường, một vấn đề tự giáo dục và tự huấn luyện, để dân chúng có thể yêu quý hòa bình như là một vật báu cần phải thực hiện ngay từ bây giờ, trên quả đất này.
Và sau hơn 40 năm thuyết pháp của Ngài, đức Phật tuyên bố rõ ràng là Ngài chỉ dạy hai vấn đề: Khổ và diệt khổ, ngoài ra không dạy gì nữa. Chiến tranh đem đến đau khổ. Hòa bình nghĩa là chấm dứt khổ đau. Do vậy Ngài được tôn xưng là "vị sứ giả hòa bình".
Ngài chỉ cho chúng ta rõ các dục là nguồn gốc của đấu tranh, xung đột và chiến tranh. Một nguyên nhân nữa của đấu tranh và xung đột là sự so sánh giữa mình và người, xem các người khác là bằng mình hay hơn mình hay thua mình. Chiến tranh nào cũng đem đến đau khổ vô lượng vô biên. Chiến thắng sinh thù oán, bại trận nếm khổ đau. Cho nên phương pháp hay nhất là đừng dùng chiến tranh để giải quyết các xung đột nhưng phải tìm mọi phương tiện hòa bình để chấm dứt các bất đồng ý kiến và các xung đột (Trích: Những Lời Dạy của Ðức Phật về Hòa Bình và Giá Trị Con Người, Hòa thượng Thích Minh Châu - Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1995).
"Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lỵ tranh đoạt với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ; mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ; cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha; anh em tranh đoạt với anh em; anh tranh đoạt với chị; chị tranh đoạt với anh; bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi chúng dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, chúng tấn công nhau bằng tay, chúng tấn công nhau bằng gạch đá, chúng tấn công nhau bằng gậy gộc, chúng tấn công nhau bằng đao kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong". (Trích Kinh Trung Bộ I. 87).
Ðức Phật tuyên bố rất rõ ràng rằng, một tâm đầy những hận thù và thù địch, người như vậy không thể hiểu một cách tốt đẹp, không thể nói một cách tốt đẹp. Một người ôm ấp nuôi dưỡng sự bất mãn và uất hận sẽ không làm dịu bớt hận thù của mình. Với niệm một mình, hận thù không có thể trừ diệt. Chỉ với một tâm tư ngày đêm thích thú trong bất hại và với lòng từ mẫn đối với tất cả loài hữu tình, người như vậy mới có thể chấm dứt hận thù.
"Ðịnh luật ngàn thu xác định hận thù không thể trừ diệt hận thù. Chỉ có tình thương mới trừ diệt được hận thù. Do vậy, sung sướng thay là đời sống của chúng ta, nếu chúng ta sống không hận thù giữa những người thù hận". Một người biết cách tự nhiếp phục mình để chấm dứt mọi hận thù, mọi thù địch, người như vậy đạt được Niết bàn. Vì rằng ở Niết bàn sẽ không có hận thù. Ðức Phật, với lòng từ thương tưởng mọi chúng sanh sẽ không thích thú trong hận thù. Cho nên Ngài sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để làm vơi bớt, nhẹ bớt và chấm dứt mọi thù địch và hận thù trong thế giới này.
Thực tế từ cuộc chiến trên thế giới cho thấy chính phủ các nước đã và sẽ đứng trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc với con số thường dân thiệt mạng lên đến hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu người.
Trong khi đó, đức Phật luôn dạy chúng ta phải luôn tôn trọng sự sống. Ngài dạy, bất cứ sự sống nào, cho đến sự sống của côn trùng và sự sống của cỏ cây, đều không đổ các đồ ăn dư thừa của mình trên đám cỏ xanh, hay nhận chìm trong nước có các loại côn trùng nhỏ. Ðức Phật khuyên các đệ tử chớ có sát sinh để cúng dường đức Phật và các đệ tử của Ngài, vì nếu làm vậy, chúng ta tích lũy được nhiều công đức.
Ngài trình bày rõ ràng rằng, sát sinh đưa tới tái sinh trong địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và quả báo nhẹ nhất của sát sinh là sinh ra làm người với tuổi thọ ngắn. Lại nữa, sát hại chúng sinh đem đến sự sợ hãi và hận thù trong hiện tại và trong tương lai và làm sinh khởi tâm khổ, tâm ưu. Do vậy, đức Phật khuyên chớ nên sát sinh vì rằng mọi chúng sinh sợ hãi hình phạt, đối với mọi loài hữu tình sự sống là quý nhất trên đời. Giới thứ nhất của một cư sĩ phải thọ trì là kính trọng sự sống, không sát hại chúng sinh.
"Này gia chủ, sát sanh, do duyên sát sanh tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại, tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Từ bỏ sát sanh, không tạo ra sợ hãi hận thù trong hiện tại, không tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, không khiến tâm cảm thọ khổ ưu. Người từ bỏ sát sanh làm lắng dịu sợ hãi hận thù này". (Trích Kinh Tăng Chi III B. 176).