Dư nợ tín dụng của VietinBank đạt 946 nghìn tỷ đến cuối tháng 6
(Vietnamdaily) - Tính đến hết tháng 6/2020, dư nợ tín dụng của VietinBank đạt 946,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5 nghìn tỷ đồng so với đầu năm.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai các nhiệm vụ quan trọng 6 tháng cuối năm, ông Trần Minh Bình - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG) cho biết, tính đến hết tháng 6/2020, dư nợ tín dụng đạt 946,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5 nghìn tỷ đồng so với đầu năm.
Nguồn vốn huy động thị trường 1 tại 30/6/2020 tăng hơn 21 nghìn tỷ đồng so với 2019; cơ cấu nguồn vốn đã có sự chuyển dịch tích cực trong các tháng quý II.
VietinBank đã chủ động điều tiết cân đối vốn trong 6 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục kiên định điều hành theo hướng tăng cường huy động các nguồn vốn với chi phí thấp, thay thế nguồn chi phí cao. Đồng thời, tận dụng và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn, phù hợp với nhu cầu tăng trưởng tín dụng để kiểm soát chi phí vốn tổng thể, tạo nguồn lực và cơ sở để giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm.
Ngoài ra, thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ của VietinBank cũng có sự tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với hoạt động quản trị rủi ro, VietinBank đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát chất lượng danh mục, thu hồi, xử lý nợ xấu, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong hạn mức được giao.
Đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, VietinBank đã hỗ trợ hạ lãi suất lên tới 2%, trung bình ở mức 0,6%/năm cho gần 9 nghìn khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất lên tới hơn 242 nghìn tỷ đồng; cơ cấu gốc và lãi cho hơn 8,4 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, lãi của gần 1,7 nghìn khách hàng.
Đồng thời, VietinBank cũng hỗ trợ tối đa cho khách hàng để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh với tổng doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch lên tới trên 184 nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, tác động lớn tới nền kinh tế trong suốt thời gian qua nhưng 6 tháng đầu năm hoạt động kinh doanh của VietinBank vẫn có những kết quả tích cực.
Đặc biệt, ngay sau khi thực hiện quá trình giãn cách xã hội, nền kinh tế - xã hội đã dần đi vào ổn định, bình thường hoá thì các hoạt động của VietinBank đã có những sự cải thiện rõ nét.
Trong quý III và quý IV/2020, VietinBank triển khai các nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, triển khai chiến lược Chuyển đổi mô hình tăng trưởng của VietinBank.
Theo đó, chiến lược gồm 3 phần: Chuyển đổi mô hình dựa vào tăng trưởng quy mô là chính để tạo ra lợi nhuận chuyển sang duy trì tốc độ tăng trưởng quy mô hợp lý đồng thời tập trung cải thiện chất lượng hiệu quả hoạt động. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường khả năng liên kết chặt chẽ giữa các phân khúc khách hàng. Chuyển đổi theo hướng phục vụ khách hàng bằng những SPDV cụ thể sang những giải pháp tài chính toàn diện.
Nhà băng cũng tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, bứt phá mạnh mẽ ngay trong những tháng đầu quý III ngay khi nền kinh tế phục hồi trở lại; tiếp tục phát triển khách hàng, khai thác triệt để hiệu quả tệp khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ở 4 vùng kinh tế trọng điểm để tạo ra giá trị cao hơn.
Tăng cường quản lý rủi ro, quản lý, thu hồi và xử lý nợ. Thúc đẩy các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phê duyệt tín dụng nhằm cải thiện chất lượng phê duyệt tín dụng.
Xử lý hai khoản dư nợ lớn gần 300 tỷ đồng với loạt tài sản bảo đảm
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) vừa thông báo xử lý khoản nợ của CTCP Thép Việt Thái tính đến hết ngày 31/5/2020 là 105 tỷ đồng.