Tác động kép từ dịch bệnh Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa Nga với Saudi Arabia, giá dầu Brent đã lao dốc mạnh từ đầu tháng 2 và đạt mức thấp nhất trong vòng 4 năm (21,2 USD/thùng). Hiện, giá dầu phục hồi lại 28,5 USD/thùng trước việc khối OPEC+ đồng ý giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày và một số quốc gia châu Âu cân nhắc nới lỏng lệnh phong tỏa giúp nhu cầu nhiên liệu phục hồi.
|
Nguồn:tradingeconomics.com |
Diễn biến này tác động trực tiếp lên ngành dầu khí, làm giảm giá bán trong khi cũng như các nhu cầu dịch vụ dầu khí. Theo đó, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí được dự đoán giảm mạnh.
Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS, HoSE: GAS) cho biết tổng doanh thu quý I ước đạt trên 17.500 tỷ đồng, giảm 12,5% cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt trên 2.100 tỷ đồng, giảm 30%. Nguyên nhân là do sản lượng khí giảm 10%, giá dầu Brent trung bình giảm 13%, giá dầu FO trung bình giảm 28%.
Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) ước doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I giảm 26,4% và 67% so cùng kỳ năm trước; lần lượt ghi nhận 3.010 tỷ đồng và 128 tỷ đồng.
Sự sụt giảm doanh thu trong quý I của PVS chủ yếu từ phân khúc dịch vụ cơ khí và xây lắp (M&C) giảm đến 58% so với cùng kỳ, mảng này chiếm một nửa doanh thu năm 2019. Trong khi đó, phân khúc dịch vụ khảo sát địa chấn bằng ROV tăng khá tích cực, phân khúc dịch vụ căn cứ cảng và hoạt động (O&M) ghi nhận doanh thu tăng hơn gấp đôi và doanh thu từ các phân khúc khác vẫn ổn định so cùng kỳ.
Tuy vậy, vẫn có những đơn vị duy trì kết quả kinh doanh khả quan như Công ty Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating, HNX: PVB) nhờ vẫn duy trì thực hiện các dự án đã ký. Doanh thu thuần quý I đạt 384 tỷ đồng tăng mạnh so con số 6 tỷ cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 49 tỷ đồng, trong khi quý I/2019 lỗ 12 tỷ đồng.
|
Đơn vị: tỷ đồng |
Năm 2020, doanh nghiệp dự kiến chỉ tiêu kinh doanh gồm tổng doanh thu 608,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 48,6 tỷ đồng; lần lượt tăng 55% và 30,2% năm 2019. Kế hoạch này được ban lãnh đạo PV Coating xây dựng trên cơ sở hợp đồng bọc ống dự án Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh (phần còn lại chuyển tiếp từ 2019), dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt và một số dự án sơn chống ăn mòn cho khách hàng ngoài ngành như Nippon Steel, CSWind, Vietnam Engnery...
Trong đó, hợp đồng bọc ống cho dự án Nam Côn Sơn 2 trị giá 980 tỷ đồng đóng vai trò trọng tâm mang lại doanh thu và lợi nhuận các tháng đầu năm. Theo kế hoạch, trong tháng 1, PV Coating bàn giao lô ống thành phẩm tuyến ống bờ và tháng 4 bàn giao lô ống thành phẩm tuyến ống biển đầu tiên. Dự kiến đến tháng 8, PV Coating sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục của gói thầu.
Kinh doanh chính trong hoạt động cho thuê gian khoan và cung cấp các dịch vụ khoan, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) cho biết hoạt động kinh doanh trong quý I tương đối hiệu quả. Doanh thu ước đạt 1.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 27 tỷ đồng, trong khi quý I/2019 lỗ sau thuế 93,3 tỷ đồng.
|
Đơn vị: tỷ đồng |
Trong quý các giàn khoan của đơn vị đều hoạt động liên tục và đơn giá cho thuê tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Các giàn khoan tự nâng có hiệu suất hoạt động đạt 100%, trong đó 4 giàn tự nâng (PV Drilling I, II, III và VI) hoạt động liên tục tại thị trường Malaysia và 3 giàn khoan thuê (HAKURYU 11, IDUN và SAGA) hoạt động tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, giàn đất liền PV Drilling 11 đang có kế hoạch hoạt động trở lại sớm cho chiến dịch khoan của GBRS trong năm 2020, giàn khoan nước sâu PV Drilling V hiện đang thực hiện các công tác tái khởi động giàn và đầu tư cụm thiết bị khoan DES có tải trọng phù hợp để bắt đấu chiến dịch khoan tại Brunei cho Shell Brunei Petroleum, dự kiến trong năm 2021.
CNG Việt Nam (HoSE: CNG) chuyên sản xuất, phân phối khí thiên nhiên nén (CNG), thị trường tiêu thụ chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần quý I đạt 537 tỷ đồng, tăng 15% cùng kỳ; lãi sau thuế 13,5 tỷ đồng, tăng 5,5%.
Năm 2020, công ty đề ra mục tiêu doanh thu 3.352 tỷ đồng, tăng 57% và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, giảm 5% thực hiện năm trước. Chiến lược công ty đề ra trong bối cảnh thị trường dầu thế giới biến động ở mức cao là duy trì chính sách giá bán linh hoạt, gia tăng ưu đãi. Đồng thời, để hạn chế ảnh hưởng từ biến động ngoài dự kiến của tăng trưởng kinh tế thì CNG Việt Nam phát triển thị trường tiêu thụ theo hướng đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất, đa dạng hóa phân khúc khách hàng.
Nhìn chung trong ngắn hạn, một số doanh nghiệp dầu khí với các hợp đồng đã ký vẫn đảm bảo được doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu duy trì ở mức thấp cũng sẽ khiến nhu cầu và đơn giá các dịch vụ dầu khí giảm theo.