Loạt án phạt với HBC liên quan đến báo cáo tài chính kiểm toán 2022
(Vietnamdaily) - HBC vừa bị cảnh báo, đồng thời được theo dõi ở các diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 và có lỗ luỹ kế.
Ngày 6/7, Sở GDCK TPHCM vừa có thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Theo đó, Sở quyết định đưa cổ phiếu HBC vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/7 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính 2022 là số âm.
Đáng lưu ý, cổ phiếu HBC đồng thời được theo dõi ở các diện bị kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán 2 năm liên tiếp (2021-2022); Cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 quá 45 ngày.
Trước đó, ngày 20/4, Hòa Bình nhận được quyết định đưa cổ phiếu HBC vào diện cảnh báo do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 15 ngày so quy định. Tiếp đó, ngày 10/5, cổ phiếu HBC tiếp tục bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán quá 30 ngày so quy định.
Theo HBC, trong khoảng thời gian vừa qua, công tác quản trị nội bộ của công ty đã phát sinh một số vấn đề. Bên cạnh đó, tình hình của thị trường bất động sản và tài chính biến động, hàng loạt các công trình phải ngưng thi công dẫn đến việc xác định khối lượng, giá trị hoàn thành từ chủ đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề thanh - quyết toán. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động xuyên suốt của công ty, trong đó có việc hoàn thành báo cáo tài chính năm theo đúng thời hạn.
Cùng thời gian này, HBC thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường dự kiến từ ngày 25 - 30/8 để thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, phương án chi tiết về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Ngày 27/6 vừa qua, HBC đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu là 12.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu ghi nhận từ backlog là 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo báo cáo tự lập, năm 2022, Hòa Bình ghi nhận 14.149 tỷ đồng doanh thu thuần, thực hiện 81% kế hoạch và tăng 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên thu không đủ bù chi khiến HBC lỗ ròng 2.594 tỷ đồng. Do hoạt động kinh doanh ghi nhận lỗ nên công ty không chia cổ tức năm 2022, không phát hành cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên.
Gần đây, HBC cũng đã công bố báo cáo kiểm toán 2022, trong đó đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, Tập đoàn Hòa Bình phát sinh khoản lỗ thuần năm 2022 là 2.570 tỷ đồng và lỗ luỹ kế lên tới 2.101 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn âm tới 883 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoà Bình còn có các khoản nợ vay đã quá hạn trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn. Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, Tập đoàn Hoà Bình đang trong quá trình thương thảo với ngân hàng để xin gia hạn.
Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý, Tập đoàn Hoà Bình đã thực hiện một số nghiệp vụ tạm ứng khi chưa có đủ phê duyệt phù hợp. Các nghiệp vụ này sau đó đã được HĐQT Tập đoàn thông qua ngày 20/5/2023.