Chú trọng học… mẹo
Là thí sinh tự do, nên khi Bộ GDĐT vừa công bố đề thi minh họa, em Nguyễn Thị Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) đã xin phép bố mẹ, khăn gói xuống thành phố tìm trung tâm luyện thi. Hương cho biết, em thi khối C, đối với các môn sử và địa chưa từng biết đến trắc nghiệm là gì nên rất lúng túng. Năm trước vì thiếu 1 điểm Hương đã không thể đỗ Trường ĐH Luật Hà Nội, trường mà em mơ ước.
Nhiều thí sinh tìm đến các trung tâm luyện thi để tiếp cận với phương pháp thi mới (ảnh minh họa). Ảnh: Tùng Anh |
Tại nhiều trường THPT, việc học và ôn thi trắc nghiệm cũng bắt đầu… vào guồng. Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên) Ngô Thị Quyên cho biết, hiện tổ bộ môn của trường đã xây dựng được phương án ôn tập, các dạng bài ôn tập và sưu tầm các câu hỏi trắc nghiệm để đưa vào giảng dạy cho học sinh. “Đa số các bài kiểm tra đã lồng ghép 70 – 80% câu hỏi trắc nghiệm để học sinh làm quen với phương pháp mới. Chính vì vậy, học sinh không cần quá lo lắng về việc thay đổi cách thi” – cô Quyên cho biết.
Hương cho biết: “Kiến thức nền em đã có, giờ tìm lò luyện chỉ để rèn kỹ thuật làm bài thi. Một số trung tâm có quảng cáo các khóa luyện thi trong đó có hướng dẫn các thủ thuật làm bài nhanh, dự đoán đáp án trong trường hợp còn băn khoăn 50/50… sẽ rất tốt nếu có được mấy thủ thuật đó”.
Đó cũng là lý do mà Trần Văn Cường - thí sinh tự do tại Ninh Giang (Hải Dương) lên Hà Nội đề tìm lò luyện thi. Theo Cường, sau khi tìm hiểu trên mạng, em được biết một số trung tâm đã cập nhật được các giáo án mới trong luyện thi trắc nghiệm. Đặc biệt là các kỹ năng làm bài trắc nghiệm nhanh, phương pháp bấm máy tính nhanh để giải các bài toán trắc nghiệm trong khoảng thời gian ngắn nhất. “Những điều này em không thể tự học được như các năm trước, vì vậy phải tìm lò luyện” – Cường nói.
Theo anh Hồ Văn Hiếu – quản lý một trung tâm luyện thi trên đường Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), 2 năm trước, khi Bộ GDĐT bắt đầu thực hiện kỳ thi THPT quốc gia với hình thức thi và xét tuyển ĐH, CĐ thay đổi, nhiều lò luyện thi đã bị “khai tử” vì thưa thớt thí sinh tìm đến học, trung tâm luyện thi của anh cũng “teo tóp” từ 3 cơ sở chỉ còn 1 cơ sở chủ yếu dành cho thí sinh tự do. Tuy nhiên, sau khi Bộ GDĐT có đổi hướng kỳ thi sang hình thức trắc nghiệm thì các trung tâm đã khởi sắc trở lại.
Ngoài luyện thi tại trung tâm, nhiều khóa học trực tuyến theo hình thức mua thẻ học tại nhà cũng được các lò luyện tận dụng tối đa. Mỗi khóa học online theo hình thức trắc nghiệm được quảng cáo có giá từ 1.500.000- 3.500.000 đồng tùy từng môn học và tổ hợp môn.
Chỉ ôn thi ở trường là đủ
Theo GS Phùng Hồ Hải – Phó Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam, hình thức luyện thi qua mạng hay tại lò luyện chất lượng chưa được kiểm định nên đáng lo ngại: “Hiện nay, với nhu cầu tiếp cận các đề thi trắc nghiệm của thí sinh tăng lên, cùng thời điểm mạng xã hội phát triển mạnh sẽ dễ gây ra tình trạng loạn thông tin. Vì vậy, thí sinh rất cần phải thận trọng”.
Cô Nguyễn Thị Giang – giáo viên môn toán tại TP.Thái Bình thì cho rằng, nếu các em học sinh dành quá nhiều thời gian cho việc đi tìm kiếm những thủ thuật làm bài, mẹo giải bài thi trắc nghiệm thì sẽ không chú tâm vào việc trau dồi kiến thức kỹ năng. “Mẹo, thủ thuật chỉ dành cho những thí sinh đã thực sự nắm chắc kiến thức cơ bản, sức học khá, giỏi. Còn đối với những em chưa có nền vững chắc thì thủ thuật may rủi cũng không giúp đỡ nhiều cho các em” – cô Giang nói.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) thừa nhận, việc xuất hiện các lò luyện thi trắc nghiệm đáp ứng với nhu cầu của thí sinh là có thật, phần lớn là dành cho thí sinh tự do muốn tìm nơi để tiếp cận với phương thức thi mới. “Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo các trường vừa phải dạy cho học sinh thật tốt các kiến thức kỹ năng nhưng cũng vừa phải hướng dẫn cho các em cách làm bài thi phù hợp với cách thi mới” – ông Chuẩn nói.
Bài được đọc nhiều:
>>> Ảnh tuyệt đẹp siêu trăng lớn nhất 70 năm tại Việt Nam
>>> Ngất ngây ngắm thiếu nữ Hà Nội đẹp lạ hóa thân thành gái du mục
>>> Đáng lo con nghiện chích ma túy giữa ban ngày ở cầu Long Biên
>>> Bí mật trong động lắc thác loạn của cậu ấm cô chiêu Việt
>>> Kỳ lạ "cụ" đại bàng đất được ướp xác 13 năm ở Hà Nội
>>> Ảnh: Lo sợ dịch bệnh vì nghĩa trang ngập nước nhiều tháng
Mời quý độc giả xem video về tuyển sinh quân sự (nguồn VTV):