Năm 1967, TS Tiborhortobargyi, Viện trưởng Viện Sinh lý Thực vật Hungary tiến hành nghiên cứu tảo Hồ Gươm. Ông phát hiện trong hồ có loài tảo lục chiếm số lượng lớn. Đây là loài tảo đặc hữu chỉ có ở nước Hồ Gươm, tạo cho nước trong hồ có màu xanh lục hiếm có.
Theo PGS.TS Hà Đình Đức, Hồ Gươm có hệ vi tảo độc đáo, trong đó có nhiều chủng tảo đặc hữu (không có ở nơi khác). Thống kê có khoảng 130 chủng tảo khác nhau ở Hồ Gươm, trong đó có tảo lục- chủng tảo đặc hữu làm cho nước Hồ Gươm có màu xanh lục đặc trưng.
Màu xanh lục đặc trưng của Hồ Gươm được tạo bởi loài tảo lục đặc hữu chỉ có ở nơi đây. |
Theo GS.TS Mai Đình Yên, Hội các ngành sinh học Việt Nam, tình trạng ô nhiễm nước hồ ngày càng trầm trọng. Thêm nữa, tảo lam – một loại tảo độc cũng đang phát triển ở Hồ Gươm. Tuy nhiên, do tảo lục vẫn đang chiếm ưu thế nên nước Hồ Gươm vẫn đang giữ được màu xanh lục. Ông cũng chia sẻ thêm, sở dĩ Hồ Gươm có nhiều chủng tảo đặc hữu là bởi ở đây chưa từng nạo vét, cải tạo toàn diện nên vẫn giữ được hệ sinh thái hàng trăm năm nay.
Trước thông tin, Hà Nội sẽ tiến hành nạo vét Hồ Gươm sau đó xử lý nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C, PGS Hà Đình Đức cho rằng, việc này cần phải cân nhắc kỹ càng vì việc xử lý có thể làm ảnh hưởng đến loài tảo lục quý hiếm của hồ. “Chế phẩm này đã cải tạo một số hồ ở Hà Nội và cho kết qua tốt, giúp làm sạch hồ và trong nước. Tuy nhiên, với Hồ Gươm không hề đơn giản vì có hệ vi tảo đặc hữu. Vì vậy phải làm thí điểm ở diện tích nào đấy để theo dõi biến động của hệ vi tảo”, PGS Hà Đình Đức nói.
PGS Hà Đình Đức cũng cho rằng, việc xử lý làm sao phải đảm bảo tỷ lệ tảo lục, tảo lam trong hồ để đảm bảo màu xanh lục đặc trưng của Hồ Gươm. Nếu mất màu xanh lục thì cũng mất nét đặc trưng của Hồ Gươm.
GS.TS Mai Đình Yên chia sẻ, tại Hội thảo cải tạo môi trường nước Hồ Hoàn Kiếm do Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội tổ chức, cũng có người đặt câu hỏi làm sao để giữ nguyên được màu nước xanh lục của hồ? GS Yên cho rằng, bên cạnh việc cải tạo từ từ, theo từng giai đoạn để hạn chế thấp nhất tác động đến hệ sinh thái hồ thì có thể tiến hành nuôi cấy tảo lục của Hồ Gươm.
GS Yên đề xuất, có thể lấy chủng tảo lục của Hồ Gươm để nuôi cấy tại các phòng thí nghiệm. Sau khi nạo vét xong sẽ tiến hành thả lại tảo lục vào Hồ Gươm. Tuy nhiên, việc này "khá tốn kém" như lời GS Yên.