Sự thực là, tai nghe có dây, dù không còn ở thời đại hoàng kim, nhưng vẫn đang có chỗ đứng của riêng mình và chưa bị đe dọa quá nhiều bởi những hậu duệ tai nghe không dây công nghệ cao của mình, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Thế nhưng, cùng với những tiến bộ của wireless, thị trường người tiêu dùng phổ thông sẽ được định nghĩa và thống trị bởi tai nghe không dây trong tương lai.
Theo Hiệp hội Đồng hồ Nhật Bản, có tới 1,42 tỷ trong tổng số 1,46 tỷ đồng hồ được làm ra năm 2015 là đồng hồ quartz, vậy nên không cần bàn cãi nhiều về tính hữu dụng của thứ công nghệ “ngon, bổ, rẻ” mà hãng đồng hồ trứ danh Nhật Bản Seiko đã đi tiên phong sản xuất từ 4 thập kỷ trước. Ấy vậy mà đồng hồ cơ học vẫn chưa hề chết, Seiko, Orient cùng hàng loạt hãng đồng hồ nổi tiếng khác của Thụy Sỹ, từ phân khúc giá rẻ tới cao cấp và siêu sang, vẫn không ngừng sản xuất đồng hồ cơ để bán ra thị trường, hút hồn không biết bao nhiêu nhà sưu tập đồng hồ toàn thế giới.
Hóa ra, người tiêu dùng ngoài nhu cầu về xem giờ, còn đem lòng yêu mến kỹ năng chế tác tinh xảo và sự cẩn trọng tỉ mỉ yêu cầu để làm ra một cỗ máy thời gian cơ học, dù cho cuối cùng hiệu suất của đồng hồ cơ vẫn không sánh được với đồng hồ quartz vốn dĩ rẻ và dễ sản xuất hàng loạt hơn rất nhiều.
Cơ chế hoạt động của đồng hồ cơ dựa vào việc giải phóng năng lượng từ một lò xo bị nén để xoay bánh xe cân bằng giúp thời gian liên tục chạy, tuy nhiên trong quá trình phức tạp đó có thể xảy ra hàng triệu sự cố cản làm thay đổi độ chính xác của đồng hồ. Ví dụ, một lò xo được nén chặt sẽ giải phóng nhiều lực hơn lò xo nén chưa chặt, hay bánh xe cân bằng có thể bị ảnh hưởng bởi chuyển động của người đeo và các bộ phận khác của đồng hồ phải tìm cách nào đó để điều chỉnh mức độ biến thiên này.
Tuy nhiên, chính sự mong manh và tinh vi trong cách đồng hồ cơ hoạt động lại đem đến cho người đeo một cảm giác gì đó chân thật và tự nhiên - theo cách mà đồng hồ điện tử dù chính xác hơn lại không bao giờ có được. Giống như máy ảnh phim hay đĩa than vinyl vậy, về cơ bản, chúng tệ nhiều hơn những phát minh hiện đại sau này, nhưng con người ta lại bị quyến rũ bởi chính những nhược điểm độc nhất mà chỉ chúng có.
Tai nghe có dây cũng đang trải qua một giai đoạn chuyển giao tương tự đồng hồ cơ
Có thể nói, headphones, trên một khía cạnh nào đó, cũng đang ở trong vị trí của đồng hồ cơ thời đại quartz vậy. Những năm gần đây thế giới đã liên tục chứng kiến đột phá trong lĩnh vực âm thanh không dây, cả về mặt công nghệ lẫn nhận thức của người dùng phổ thông.
Một phần công lớn là nhờ các hãng âm thanh và di động đã dang rộng vòng tay đón chào wireless, điển hình là việc Apple táo bạo loại bỏ hoàn toàn jack tai nghe 3.5mm trên iPhone 7 và ra mắt AirPod, bên cạnh đó có thể kể đến nhiều tai nghe không dây chất lượng cao từ các “ông lớn” về âm thanh như Sennheiser Momentum Wireless hay Sony 1000X. Ngoài iPhone, rất nhiều smartphone đã quyết định loại bỏ cổng tai nghe (trong đó có cả Google Pixel 2), tăng áp lực ép người tiêu dùng chuyển sang chấp nhận công nghệ không dây.\
Apple AirPods đã góp phần không nhỏ vào việc phổ cập văn hóa tai nghe không dây tới cộng đồng người dùng phổ thông. |
Về lý thuyết, khoảng cách về chất lượng âm thanh giữa tai nghe có dây và tai nghe không dây vẫn chưa hoàn toàn bị xóa bỏ, nhưng với phần đông người dùng, khoảng cách đó là quá nhỏ để trở thành tiêu chí chọn mua tai nghe, đặc biệt là khi tai nghe wireless dù nghe không hay bằng một tai nghe có dây cùng tầm giá, lại đem đến sự tiện nghi tuyệt đối trong vận động mà headphones có dây không thể nào đạt được.
Các số liệu khảo sát cho thấy doanh số bán ra của headphones cũng bị ảnh hưởng bởi việc có thêm “công nghệ không dây” hay “tính năng thông minh” vào sản phẩm hay không. Giống như cách mà đồng hồ đi từ giai đoạn cơ học tới quartz tới smartwatch. Tai nghe cũng sẽ đi từ thời đại có dây tới không dây và rồi được trang bị thêm một dạng trợ lý ảo thông minh nào đó nữa. Người tiêu dùng dần dần sẽ mặc định trông đợi tai nghe mình mua phải “không dây”. Và các hãng âm thanh khi đó sẽ phải tìm ra một lý do nào đó thực sự thuyết phục nếu tai nghe mình bán ra “vẫn còn dây”.
Sau cùng, theo thời gian, hy vọng thị trường tai nghe sẽ tìm ra được cách cân bằng giữa công nghệ hiện đại và phát minh lịch sử, phủ định nhưng không phủ định sạch trơn giống như cách ngành công nghiệp đồng hồ đã làm được vậy. Tai nghe có dây tất nhiên sẽ chứng kiện sự sụt giảm và lùi bước đón chào công nghệ âm thanh không dây, nhưng ngược lại, cũng sẽ tìm được chỗ đứng riêng và đối tượng khách hàng riêng cho mình. Đó có thể là những “audiophile” thực thụ muốn được thưởng thức âm nhạc chất lượng cao theo cách chân thật nhất và tôn trọng những gì còn xót lại của thế hệ trước, hay chỉ đơn thuần là những người yêu tai nghe muốn có được chất lượng âm thanh tuyệt đối và thiết kế cao cấp sang trọng phù hợp với tác vụ nghe nhạc tại gia.
Tai nghe có dây sẽ không đi vào quên lãng như điện thoại Nokia, ổ đĩa cứng hay MiniDisc player bởi những gì phát minh của thế kỷ 20 làm được quá giá trị và cuốn hút để chúng ta có thể loại bỏ nó hoàn toàn.
Một người đàn ông đã khóc trước âm thanh của chiếc tai nghe đắt nhất thế giới Sennheiser Orpheus |