Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GEX) hiện là cổ đông lớn nhất của Eximbank với sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần (tương đương 4,9% vốn điều lệ ngân hàng). Cổ đông lớn thứ hai là Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX với hơn 62 triệu cổ phiếu (3,58%). Cổ đông khác sở hữu trên 1% vốn tại Eximbank là Công ty cổ phần Thắng Phương (sở hữu 53,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,07% vốn).
Trong danh sách còn có hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng này, bao gồm: bà Lê Thị Mai Loan (sở hữu 1,03% vốn) và bà Lương Thị Cẩm Tú (sở hữu 1,12% vốn). Trong đó, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện đang là Phó chủ tịch HĐQT Eximbank còn bà Lê Thị Mai Loan là cựu Thành viên HĐQT Eximbank.
Ảnh minh họa. |
Trong vòng 2 năm qua, cơ cấu cổ đông Eximbank biến động khá mạnh khi một loạt nhóm cổ đông đã thoái vốn khỏi ngân hàng này như SMBC (15%), VinaCapital (gần 5% vốn), nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công Group, Âu Lạc cũng như Vietcombank.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Eximbank ghi nhận lãi trước thuế chỉ hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và chỉ thực hiện được gần 13% mục tiêu năm.
Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả thực hiện của năm 2023. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.
Trước đó, kết thúc năm 2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp riêng lẻ đạt 2.146 tỷ đồng, lợi nhuận để lại từ các năm trước là 125 tỷ đồng.
Sau khi trích lập các quỹ (bao gồm cả quỹ khen thưởng 150 tỷ đồng), lợi nhuận để lại lũy kế của ngân hàng tính đến cuối năm 2023 là gần 1.800 tỷ đồng.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, sau phiên họp thường niên, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn cựu Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam làm Phó Chủ tịch.
Gelex tiền thân là Tổng Công ty thiết bị kỹ thuật điện, thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện thuộc Bộ Công Thương.
Cuối năm 2015, Bộ Công thương đã thoái toàn bộ 78,74% vốn tại Tập đoàn Gelex thông qua giao dịch khớp lệnh trên thị trường chứng khoán, tạo nên phiên giao dịch lịch sử trên UPCoM. Ông Nguyễn Văn Tuấn- CEO Gelex, là một trong số những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này sau thương vụ thoái vốn.