Báo New York Times mới đây đăng tải bài viết “mổ xẻ” các vấn đề khiến Châu Âu đứng bên bờ vực tan rã.
Thứ nhất, Hà Lan tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 15/3, trong đó Đảng Vì Tự do (PVV) cực hữu đang chiếm ưu thế. PVV hiện nắm giữ 15 trong 150 ghế trong Quốc hội và các cuộc thăm dò cho thấy, đảng này sẽ giành thêm 5 ghế nữa, giúp PVV trở thành đảng lớn nhất hoặc thứ hai của nước này. Được biết, ông Geert Wilders, một người có quan điểm dân túy và cực hữu, là lãnh đạo của Đảng PVV.
Mặc dù vậy, nhiều khả năng Geert Wilders và đảng của ông sẽ nắm quyền lãnh đạo Hà Lan. Ông Wilders cần 76 ghế để nắm quyền lãnh đạo và theo hệ thống đa đảng của nước này, các chính đảng khác có thể dễ dàng liên minh với nhau mà không cần “bắt tay” với Wilders.
Lãnh đạo Đảng Vì Tự do cực hữu, ông Geert Wilders. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, cuộc bầu cử Quốc hội ở Hà Lan lần này được coi là phép thử về việc liệu Châu Âu có thể đối phó với chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy hay không.
Các đảng cực hữu, dù không thể giành đủ số ghế để nắm quyền lãnh đạo, vẫn có thể gây áp lực. Điều này có nghĩa rằng, đảng cực hữu có thể không nắm quyền nhưng vẫn gây sức ép về chính sách dân túy, chẳng hạn như nhắm vào người nhập cư hay làm suy yếu quá trình hội nhập Châu Âu, qua đó phá hủy trật tự của “lục địa già” thời hậu chiến.
Thứ hai, một vấn đề cũng đang trở thành “tâm bão” ở Châu Âu: Đó chính là căng thẳng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Châu Âu, cụ thể là với hai nước Đức và Hà Lan.
Trước đó, ngày 11/3, Hà Lan đã không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlet Cavusoglu bay đến thành phố Rotterdam. Được biết, Ngoại trưởng Cavusoglu dự định bay đến thành phố Rotterdam nhằm vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Erdogan.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã “cấm cửa” Đại sứ Hà Lan và ngừng toàn bộ cuộc đàm phán chính trị cấp cao giữa hai nước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan còn so sánh Hà Lan với Đức Quốc xã.
Mặc dù vậy, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan lại mang lại lợi ích chính trị cho hai nhà lãnh đạo của nước này - Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể xoá bỏ thoả thuận với Châu Âu về việc ngăn chặn làn sóng di cư, vốn được ký kết cách đây một năm. Như vậy, khi dòng người nhập cư ồ ạt tràn vào Châu Âu có thể làm bất ổn chính trị ở châu lục này và tăng cường sức mạnh cho phe cực hữu.
Thứ ba, ngày 14/3, Quốc hội Anh đã thông qua đạo luật cho phép Thủ tướng Theresa May chính thức kích hoạt Điều 50 theo Hiệp ước Liên minh Châu Âu (EU) để bắt đầu việc Anh rời EU (Brexit).
Quốc hội Anh đã thông qua đạo luật cho phép Anh khởi động tiến trình rời EU. Ảnh: Christian Truth Center. |
Được biết, sau khi kích hoạt Điều khoản 50, London có 2 năm để thương lượng với 27 thành viên khác của EU về việc Anh rời khỏi EU.
Dự kiến, tiến trình rời Liên minh Châu Âu của Vương quốc Anh có thể chính thức bắt đầu vào cuối tháng 3/2017.
Vấn đề cuối cùng mà Châu Âu đang phải đối diện đó là việc Scotland muốn rời khỏi Vương quốc Anh.
Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon, đã kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới nhằm đưa Scotland trở thành một quốc gia độc lập với mục đích ở lại Liên minh Châu Âu. Dự kiến, cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào mùa xuân năm 2019 – gần như chắc chắn trùng thời điểm Vương quốc Anh đang ở trong quá trình Brexit.
Tuy nhiên, bà Sturgeon không thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nếu không có sự cho phép của chính phủ Vương quốc Anh.
Được biết, một cuộc bầu cử gần đây được tổ chức tại Bắc Ireland đã giúp Sinn Fein – một đảng quốc gia kêu gọi Bắc Ireland rời Anh và “đoàn tụ” với Ireland – chiếm đa số. Điều này cho thấy sự hoài nghi của Bắc Ireland về việc theo Anh rời khỏi EU.
Như vậy, Vương quốc Anh cũng có thể tan rã, mặc dù vẫn quá sớm để nói về kịch bản này.