Lì xì hay còn gọi mừng tuổi là một phong tục rất có ý nghĩa đối với chúng ta mỗi khi Tết đến Xuân về. Chiếc phong bao nhỏ vàng son rực rỡ được trang trọng đặt đồng tiền còn mới tinh nguyên vào bên trong, người cầm phong bao với nụ cười thật hiền trao tặng người nhận hân hoan bên thềm Xuân mới. Nét đẹp này luôn trong tâm thức của mỗi người, như là sự khởi đầu cho mọi điều tốt đẹp dọc suốt một năm.
Lì xì cầu chúc an lành và tài lộc
Ngay từ trong những câu chuyện truyền thuyết xa xưa, lì xì đã chứa đựng biểu tượng của an lành và tài lộc.
Đó là câu chuyện dân gian Trung Quốc, ở Đông Hải có một cây đào to, là nơi trú ngụ của rất nhiều yêu quái. Ngày thường, các thần tiên ở hạ giới canh giữ cây nên lũ yêu quái không thể ra ngoài làm hại con người được. Tuy nhiên, tới đêm Giao Thừa, khi tất cả thần tiên đều phải lên trời thì cũng là lúc lũ yêu quái đó được dịp thoát ra ngoài, trong số đó có một loại yêu quái gọi là con Tuy. Đêm Giao Thừa, nó thường làm hại trẻ con bằng cách xoa vào đứa trẻ đang ngủ, khiến trẻ giật mình, khóc thét lên và sau đó có thể sẽ bị bệnh sốt cao hoặc ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu tinh hại con mình. Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Việc lấy giấy đỏ gói tiền được kể lại cho bà con làng xóm. Mọi người vui mừng, bắt chước làm theo và dần dần trở thành phong tục là lì xì đầu năm.
Phong bao lì xì đỏ tượng trưng cho cát tường. Ảnh: Internet. |
Đó cũng là câu chuyện về một gia đình nghèo nọ có ba người con trai. Tết đến người cha không có tiền để lì xì nên nghĩ ra cách lấy giấy đỏ làm 3 cái phong bì và nắn nót viết lên giấy 3 chữ: Phúc - Lộc - Thọ rồi cho vào đó. Sáng mùng một Tết, người cha tươi cười mừng tuổi 3 đứa con bằng 3 cái phong bì nhẹ bẫng. Chẳng ngờ ít ngày sau, nhà ông phát tài, tiền vô như triều cường. Thời gian trôi nhanh, lại tới 30 tháng Chạp. Nhớ lại cái Tết nghèo khó trong năm qua, người cha lại tiếp tục tặng “chữ” cho con như trước với mong ước cuộc sống của các con vẫn luôn sung túc, phúc lộc vẹn toàn. Ai ngờ, khi ba người con bóc ra, mỗi người đều thấy vẻn vẹn chữ Phúc, còn hai chữ Lộc, Thọ không thấy đâu. Bốn cha con đang phân vân thì một vị thần xuất hiện: "Ta là Phúc Thần của đất này. Chữ Phúc đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: phúc, lộc, thọ, vì có phúc mới hưởng được lộc, mới thọ được lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu lộc, cầu thọ, chỉ một chữ Phúc để mừng tuổi đầu năm là đủ".
Lì xì đúng cách để may mắn chan hoà
Lì xì không đơn thuần chỉ là cho tiền và nhận tiền ngày Tết mà là một cách ứng xử rất tình người của phát yêu thương, trao may mắn.
Thứ nhất, đừng xem trọng mệnh giá của đồng tiền lì xì. Cho dù, nghĩa chính của từ lì xì theo tiếng Trung Quốc là đồng tiền hên, tiền may mắn nhưng điều này không đồng nghĩa tiền lì xì càng nhiều, càng may mắn. Tiền lì xì mang trong nó mong ước, cầu chúc sức khoẻ, bình an, tài lộc.
Thứ hai, đồng tiền lì xì phải là tiền mới và tốt nhất là số lẻ. Tiền mới mang ý nghĩa năm mới may mắn đón nhận muôn điều mới mẻ, muôn điều điều tốt đẹp nhất, xua tan những buồn phiền năm cũ. Tiền lì xì là số lẻ biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở.
Thứ ba, đừng quên bỏ tiền lì xì trong phong bao màu sắc vàng son rực rỡ. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc. Màu sắc của phong bao chính là màu của sự cát tường. Và đó cũng thể hiện sự chu toàn của người lì xì đối với người được nhận lời cầu may.
Lì xì - đậm đà phong vị Tết Việt. Ảnh: Internet. |
Thứ tư, lì xì không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà có thể tới tận mùng 9, mùng 10. Tuy nhiên, nếu lì xì vào mùng một, nhất là ở thời khắc giao thừa thì niềm hân hoan phát yêu thương, trao may mắn của lì xì sẽ nhân lên gấp bội.
Thứ năm, không nhất thiết lì xì phải theo nguyên tắc của các cụ ngày xưa: lì xì là người trên ban phát cho dưới, không có ngược lại. Người xưa quan niệm người nhỏ tuổi không lì xì người lớn hơn vì vừa không đúng ý nghĩa vừa bị cho là “hỗn”. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, lì xì dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt những người nhỏ tuổi nhưng đã lập gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà, để chúc tụng may mắn, sức khỏe, bình an. Mọi người quan niệm lộc năm mới không phải tìm kiếm đâu xa, lộc trước nhất xuất phát ngay từ niềm hạnh phúc mà mỗi thành viên trong gia đình cảm nhận được khi trao và nhận phong bao mừng tuổi. Không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, lì xì là nét đẹp ngày Tết giữa con người với con người, gắn kết tình người và lan toả thương yêu.
Thứ sáu, phải coi lì xì là một hành động ứng xử đẹp, có trên, có dưới với sự kính trọng, chân thành và biết ơn. Nếu là người trên lì xì cho người dưới thì khi đưa phong bao lì xì phải có thái độ ân cần và đợi câu chúc của người dưới trước. Điều này rất quan trọng vì nó mang tính giáo dục rất cao, dạy người dưới biết ứng xử thành kính, hiếu thảo với người trên. Ví như, khi ông bà, bố mẹ lì xì cho con cháu, phải đợi con cháu chúc xong mới trao tay phong bao, sau đó, chúc con cháu phấn đấu học giỏi, ngoan, chăm chỉ, nghe lời ba mẹ, ông bà, thầy cô… Con cháu nhận phong bao lì xì phải mừng rỡ nói lời cảm ơn và chúc Tết.
Lì xì là một nét đẹp trong cách ứng xử. Ảnh: Internet. |
Thứ bảy, cha mẹ cần giáo dục con cháu hiểu đúng ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì, không được tham tiền. Đây chính là hành động răn dạy con trẻ sau này biết coi trọng tình cảm gia đình hơn đồng tiền, không thể lấy đồng tiền ra làm thước đo tình cảm. Hãy dạy con trẻ biết trân trọng phong bao lì xì như là một món quà ý nghĩa, một niềm vui bất tận, một sự may mắn mà người khác mang đến cho mình, chứ không đơn thuần là số tiền mà con trẻ nhận được trong phong bao đó. Để tiền mừng tuổi có ý nghĩa, các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con trẻ quản lý tiền bằng cách mua con lợn đất, cho tiền vào đó để giáo dục cho trẻ bài học tiết kiệm sinh động. Chỉ lúc nào có nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập, áo quần… mới “mổ” lợn lấy tiền chi dùng, giúp cha mẹ một khoản tiền. Tiền lì xì cũng có thể con trẻ dùng một phần vào hoạt động thiện nguyện giàu tính nhân văn, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi đang gặp khó khăn do thiên tai, đem đến cho họ chút hơi ấm của cái Tết đầy tình nghĩa.