“Cánh tay nối dài” của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Sau chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Hội nghị lần thứ 5, đến nay đã có hàng loạt tỉnh, thành cụ thể hóa về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ngãi, Điện Biên, Nam Định, Long An, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Đà Nẵng…
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội Triết học, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ giúp công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ toàn diện.
GS.TS Lê Hữu Nghĩa |
Theo GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh rất quan trọng nhằm khắc phục hai nhược điểm trước đây gồm tình trạng “ trên nóng, dưới lạnh” và mọi công việc phòng, chống tham nhũng ở địa phương cứ dồn lên Ban chỉ đạo Trung ương.
GS.TS. Lê Hữu Nghĩa cho rằng, Ban chỉ đạo cấp tỉnh là “ cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban chỉ đạo cấp tỉnh vừa chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ tỉnh, thành ủy, vừa chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
“Tôi tin tưởng rằng với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta sẽ được tiến hành toàn diện, đồng bộ với hiệu quả, chất lượng cao hơn, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, ông Nghĩa nói.
Chia sẻ với báo chí, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Lê Truyền - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh “tránh việc trông chờ Trung ương. Khi Trung ương chỉ đạo, địa phương lại phải chờ xem Trung ương làm thế nào. Khi có Ban Chỉ đạo sẽ phát huy được tính chủ động, tích cực của tất cả địa phương. Trung ương cũng làm mà địa phương cũng làm, không bỏ sót vụ nào cả. Nhất là tránh tình trạng “trên nóng mà dưới không nóng””
Trực tiếp chỉ đạo các vụ việc tham nhũng, tiêu cực tại địa phương
Theo quy định 67-QĐ/TW, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo quy định, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh có quyền yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người có thẩm quyền của địa phương báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời báo cáo cả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý.
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để chỉ đạo thực hiện thống nhất, toàn diện và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các địa phương. |
Ban chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh.
Đồng thời, yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Ban cũng trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại, nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong trường hợp cần thiết quyết định thành lập các tổ công tác liên ngành để chỉ đạo thực hiện, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.
Ban chỉ đạo có quyền kiến nghị với Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi có căn cứ cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, cấp ủy các cấp quản lý thì kịp thời báo cáo cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp ủy quản lý cán bộ đó để chỉ đạo xử lý theo quy định. Đồng thời chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến ủy ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành ủy, ủy ban kiểm tra thuộc cấp ủy quản lý cán bộ đó để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng.
Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định. Đồng thời báo cáo thường trực tỉnh ủy, thành ủy và Thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) ngày 12/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc bao nhiêu người đi tù và bị xử lý trước đây chỉ có ở trên Trung ương, hiện nay mở rộng ra, lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, việc này để cảnh tỉnh lãnh đạo các tỉnh phải chú ý, không ai có thể đứng ngoài pháp luật được.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng:
Nguồn: VTV1