Lãng phí đất đai có nguyên nhân từ... vụ Tiên Lãng

Sau khi có vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng thì các địa phương hạn chế, e dè khi áp dụng biện pháp hành chính như thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai, được Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận tại báo cáo phục vụ phiên chất vấn ngày 20/8 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo số liệu từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến ngày 30/6/2013 được dẫn tại báo cáo này thì có 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích 128.033,131 ha.
 
Về kết quả xử lý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho hay, đã có 38.771 ha của 819 tổ chức được thu hồi và đang tiếp tục xử lý 1.547 tổ chức với diện tích 22.654 ha, đang lập hồ sơ thu hồi đất của 559 tổ chức với diện tích 27.095 ha.
Bên cạnh đó, có 1.902 tổ chức được yêu cầu đưa đất vào sử dụng, cho phép chuyển mục đích, điều chỉnh xây dựng, xử lý trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... với diện tích 16.516 ha.
Vẫn theo báo cáo, đã thu nộp ngân sách nhà nước 56,61 tỷ đồng tiền sử dụng đất của 38 tổ chức; 9,44 tỷ đồng tiền thuê đất của 55 tổ chức, xử phạt vi phạm hành chính 3,97 tỷ đồng của 236 tổ chức và xử lý khác 2,75 tỷ đồng của 22 tổ chức.
Một số địa phương được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá là đã triển khai tốt việc xử lý, thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án vi phạm, dự án chậm triển khai. Như: Long An thu hồi chủ trương, xóa quy hoạch đối với 28 dự án, tổng diện tích 3.915 ha; Hậu Giang thu hồi 56 dự án với tổng diện tích 971 ha; Thanh Hóa đã thu hồi 26 dự án, tổng diện tích đất 46 ha…
Không ít khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tình trạng lãng phí đất đai, thu hồi đất do chậm triển khai thực hiện các dự án sử dụng đất cũng được nêu tại báo cáo này.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan như suy thoái kinh tế, khó tiếp nhận các nguồn vốn vay, ảnh hưởng của khí hậu thời tiết, người bị thu hồi đất không đồng thuận với mức bồi thường... cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên cho rằng khó khăn còn đến từ việc xử lý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu một số tổ chức vi phạm trong quản lý, sử dụng đất do thiếu quy định cụ thể về quy trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu đã chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc giao đất cho tổ chức khác sử dụng dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi đất vi phạm.
Chế tài xử lý vi phạm hành chính về đất đai còn nhẹ, chưa đủ mạnh nhằm hạn chế việc sử dụng đất sai mục đích của một số tổ chức khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, không có văn bản ngăn chặn kịp thời, báo cáo viết.
Khó khăn còn đến từ việc xác định giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất để trả phần giá trị còn lại cho người bị thu hồi được thực hiện thông qua hội đồng do các cơ quan nhà nước tham gia kiêm nhiệm nên thường bị chậm, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu căn cứ xác định. Nhiều địa phương không có hoặc không đủ nguồn vốn ngân sách để chi trả giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất.
Với tình trạng lãng phí đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng tình trạng chậm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang diễn ra phổ biến ở địa phương do chính sách thường xuyên thay đổi, do các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng.
Sau khi có vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng thì các địa phương hạn chế, e dè khi áp dụng biện pháp hành chính như thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, báo cáo nêu rõ.
Ngoài ra, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn chìm lắng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm đưa đất vào sử dụng.
Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn chạy theo mục đích thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương nên chưa sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực, chưa kiểm soát được tình trạng một nhà đầu tư nhưng xin giao đất, thuê đất để thực hiện nhiều công trình, dự án ở nhiều địa phương khác nhau, dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, chủ đầu tư bao chiếm, găm giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí.
Các cơ quan có trách nhiệm chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện các dự án sau khi giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư. Nhiều vụ việc xử lý vi phạm còn bị chi phối bởi các quan hệ xã hội cũng là nguyên nhân được đề cập.
Chiều mai (20/8), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Trưng cầu dân ý về sở hữu toàn dân với đất đai?

Bộ TN-MT phát hiện nhiều sai phạm đất đai tại Đà Nẵng

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức kiểm tra toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất đối với các dự án tại Đà Nẵng từ khi luật Đất đai 2003 có hiệu lực đến nay.

Theo báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Tài nguyên - Môi trường, về cơ bản, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai đúng trình tự, thẩm quyền với tình hình thực tế của địa phương, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai nhưng còn một số hạn chế.

Đọc nhiều nhất

Tin mới