Thảm sát Mỹ Lai: Vết nhơ trong lịch sử nước Mỹ
Tổng cộng 504 thường dân bị sát hại trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai ngày 16/3/1968, nhưng báo cáo lên chính quyền Mỹ là hơn 100 "kẻ thù" bị tiêu diệt.
|
Lính Mỹ đốt nhà và đồ đạc của người dân thôn Mỹ Lai trong vụ thảm sát ngày 16/3/1968. Ảnh: Getty |
Sau hơn 4 giờ bắn giết dân thường ở thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi, Lục quân Mỹ được lệnh rút quân. Những bản báo cáo ban đầu được trình lên cho lãnh đạo quân đội Mỹ mô tả một chiến thắng lẫy lừng ở Mỹ Lai với "128 kẻ địch bị tiêu diệt trong trận đấu súng ác liệt”, trong khi lực lượng Mỹ không tổn thất một sinh mạng nào.
Trước đó, tình báo Mỹ xác định có một tiểu đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Mỹ gọi là Việt Cộng) đang ẩn náu ở thôn Mỹ Lai. Các chỉ huy quân sự Mỹ cho rằng những người đang ở thôn Mỹ Lai là kẻ thù và ra lệnh “giết tất cả những gì còn sống” ở đây.
Che đậy sự thật
Trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai, cũng có những người Mỹ tìm cách giải cứu thường dân. Đó là chuẩn úy phi công Hugh Thompson cùng các thành viên phi hành đoàn trên chiếc trực thăng trinh sát trên không do ông điều khiển. Sau khi phát hiện lính Mỹ thảm sát người dân, đội của Thompson đã thả khói xanh xung quanh nạn nhân, dấu hiệu cho thấy có người bị thương cần cứu giúp.
Trong một hội nghị khoa học về Mỹ Lai ở Đại học Tulane tháng 12/1994, ông Thompson kể: “Chúng tôi bay trong khu vực và thấy xác người nằm la liệt khắp nơi. Phần lớn thi thể là trẻ em, phụ nữ và những người đàn ông lớn tuổi”. Thompson ra lệnh cho hai thành viên phi hành đoàn chĩa súng máy hạng nặng cố định trên trực thăng vào những binh sĩ đang say máu.
Đội của Thompson cũng đáp xuống để cứu mạng những thường dân đang ẩn nấp trong một căn hầm. Sau khi trở về căn cứ, Thompson báo cáo vụ việc lên lãnh đạo quân đội. Nhằm lấp liếm vụ tắm máu được coi là một trong những vết nhơ lớn nhất lịch sử quân sự Mỹ, hàng loạt tướng lĩnh quân đội cũng như các quan chức chính phủ Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn để đánh lừa dư luận.
Các tướng lĩnh báo cáo sai sự thật trong khi nhà chức trách phớt lờ đơn thư tố cáo từ những người trực tiếp chứng kiến vụ thảm sát. Cuộc điều tra đầu tiên về Thảm sát Mỹ Lai được tiến hành rất hời hợt. Khi đó, một viên đại tá của Lục quân Mỹ đã thẩm vấn qua loa các binh sĩ tham gia vụ việc.
Báo cáo cuối tháng 4/1968 khẳng định, 22 thường dân vô tình bị sát hại khi Mỹ thực hiện chiến dịch. Quân đội Mỹ vẫn coi Mỹ Lai là chiến thắng vang dội. Nhiều đơn thư được gửi tới lãnh đạo Mỹ về vụ thảm sát nhưng tất cả đều bị phớt lờ.
|
Xác người nằm la liệt ở Mỹ Lai sau vụ thảm sát. Ảnh: Getty |
Tổng thống Mỹ Richard Nixon coi thảm sát Mỹ Lai là "mối đe dọa chính trị" nên đã chỉ đạo che giấu sự thật. Các tài liệu cho thấy Nixon lập nhóm chuyên trách về Mỹ Lai, có nhiệm vụ che đậy vụ thảm sát cũng như âm mưu phá hoại các cuộc điều tra nhằm vào vụ việc này.