Ngày 16/9, sau khi các trường đại học công bố điểm trúng tuyển vào trường, N.H.N (Thanh Hóa) suy sụp vì biết bản thân đã trượt toàn bộ 11 nguyện vọng mà mình đăng ký. Đạt số điểm 25,6, N. nhận thấy điểm số của mình không quá an toàn nếu đăng ký vào các trường top đầu.
Vì thế, ngoài 6 ngành của Trường ĐH Ngoại thương và ĐH Kinh tế Quốc dân, nữ sinh còn đăng ký thêm một số ngành của Trường ĐH Thương Mại và Học viện Chính sách & Phát triển. Những ngành học này có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn điểm N. đạt được tới 4 - 5 điểm.
“Em cứ nghĩ để một số ngành có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn 4 – 5 điểm đã là an toàn cho bản thân, nhưng không thể ngờ, đến nguyện vọng thứ 11 em cũng không đạt được”.
Năm nay, các ngành của Trường ĐH Ngoại thương đều lấy điểm chuẩn không dưới 28; còn với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ngành thấp nhất cũng đã lấy tới 26,9 điểm (trung bình gần 9 điểm/ môn).
N. cho biết, hy vọng mong manh cuối cùng của mình là đỗ vào ngành Luật Kinh tế của Học viện Chính sách và Phát triển. Thế nhưng, năm nay ngành này cũng đã tăng tới 5 điểm (từ 21 điểm lên 26 điểm) khiến N. trượt toàn bộ nguyện vọng đã đăng ký.
“Em không biết phải nói lời nào để diễn tả hết nỗi thất vọng của bản thân, bởi đến nguyện vọng vớt vát em cũng không thể đậu dù đã sắp xếp khá cẩn thận. Em cũng chỉ biết tủi thân vì đó là lỗi của mình, không thể trách ai được.
Em đã suy nghĩ đến chuyện thi lại, nhưng nghĩ đến những ngày tháng ôn thi đại học ngày đêm lại thấy chán nản. Nhiều người khuyên em nên đi học một trường dân lập hoặc xét đại nguyện vọng vào một trường nào đó. Nhưng vào một ngôi trường mà mình không yêu thích, em cũng thấy tương lai rất mù mịt. Giờ em đang rất rối, không biết sẽ đi về đâu”, N tâm sự.
Nhiều thí sinh đạt 9 điểm/ môn vẫn trượt đại học |
Đạt tổng điểm 28,4 ở khối A00, Nguyễn Thị Trang (Nghệ An) nghĩ chắc chắn sẽ đỗ vào Trường ĐH Ngoại thương vì đã đăng ký cả 3 nhóm ngành NTH01-02, NTH02 và NTH03.
Nhưng khi biết điểm chuẩn, Trang “hú hồn” vì thấy mức điểm của các ngành quá cao, trong khi bản thân chỉ đỗ suýt soát nhóm ngành có điểm chuẩn thấp nhất trong số các nguyện vọng là NTH03 (gồm ngành Kế toán và Tài chính - Ngân hàng – lấy 28,25 điểm).
“Em không nghĩ mình lại trúng tuyển trong tâm thế thót tim như vậy”, Trang thở phào.
Nữ sinh cho hay, một số người bạn của em dù đạt mức điểm 25 - 26 cũng bị “trượt bay” các nguyện vọng và khóc nức nở khi biết điểm chuẩn năm nay lại cao đến như vậy.
Trước sự “bùng nổ” điểm chuẩn của nhiều trường đại học, chị Ngô Hạnh (Nghệ An) cho rằng, Bộ GD-ĐT đưa ra một đề thi tốt nghiệp THPT không nhiều tính phân hóa đã dẫn đến kết quả “đánh đồng” học sinh khá và giỏi khi các trường đại học lấy đó là căn cứ tuyển sinh.
“Với một đề thi dễ, học sinh có sức học ngày thường làm được khoảng 8 điểm thì đi thi có thể đạt tới 9,8. Còn học sinh có sức học ngày thường làm được khoảng 9,8 điểm thì đề có dễ đi chăng nữa cũng chỉ có thể đạt tối đa 10 điểm, thậm chí đạt 9,8 nếu sơ suất trong quá trình làm một câu nào đó. Như vậy thử hỏi còn đâu là phân loại học sinh nữa”, vị phụ huynh này ví dụ.
Còn chị Thùy Trâm (Hà Nội) nhớ lại “thời của mình từ 20 năm trước”, 27 điểm cũng có thể trở thành thủ khoa, á khoa của một trường đại học. Còn giờ đây, đạt 27 điểm vẫn có thể trượt rất nhiều trường.
“Nếu đạt mỗi môn xấp xỉ 9 điểm mà vẫn trượt đại học chứng tỏ sự thiếu hợp lý của đề thi và thiếu sự cân nhắc của thí sinh khi đăng ký nguyện vọng”, chị Trâm nói.
Ngoài ra, chị cũng cho rằng, với mức điểm chuẩn “cao chót vót” như hiện nay, sẽ rất thiệt thòi cho những học sinh không có điểm cộng. Và việc 30 điểm mới đỗ đại học cũng sẽ khiến nhiều học sinh không còn niềm tin để phấn đấu học hành.
“Giờ đây, chỉ cần sảy chân một chút cũng có thể trượt đại học trong gang tấc. Thiết nghĩ, các trường đại học cần phải có sự chủ động trong tuyển sinh theo các phương thức khác nhau của trường, đảm bảo đầu vào theo yêu cầu của từng ngành học. Có như thế, những bạn vào đại học mới hoàn toàn xứng đáng là những người có tố chất và nỗ lực thực sự”, chị Trâm bày tỏ quan điểm.
Nhiều lý do khiến điểm chuẩn ngày càng cao
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của các trường năm ngoái đã cao, năm nay càng cao hơn như: mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường top, ngành hot; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm, từ đó khiến điểm chuẩn tăng cao.
Với độ phân hóa đề thi như hiện tại, ông Triệu cho rằng, trong thời gian tới, các trường sẽ tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, chủ động đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo yêu cầu của từng trường.
Phổ điểm môn kỳ lạ của môn tiếng Anh là một trong những nguyên nhân đẩy điểm chuẩn các ngành dùng tổ hợp xét tuyển có môn học này tăng cao. Ngoài ra, gây tranh cãi với các ngành có chỉ tiêu chung cho nhiều khối xét tuyển.
Trong khi đó, thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên tại một trung tâm luyện thi ở Hà Nội, nhận định một trong những bất cập trong tuyển sinh từ điểm thi tốt nghiệp THPT là việc cào bằng điểm ở tất cả các tổ hợp xét tuyển.
“Tình trạng học sinh tranh cãi về sự công bằng giữa các khối thi đã diễn ra nhiều năm nhưng sự chênh lệch đó không quá lớn để tạo thành "cơn sốt" như năm nay.
Năm ngoái, tiếng Anh là môn đội sổ về điểm thi nhưng năm nay đề môn tiếng Anh quá dễ khiến các bạn theo khối A00 hầu như không có cơ hội để cạnh tranh trong những ngành/trường lấy bằng điểm giữa các khối. Đặc biệt là các khối ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin”, thầy Hà chia sẻ.
Theo thầy Hà, nếu thấy năm nay dễ, rồi năm sau lại điều chỉnh môn tiếng Anh khó lên rồi các môn khối A lại dễ đi thì sẽ lại đi vào vòng tròn luẩn quẩn, tiếp tục gây nên sự tranh cãi.
Cách giải quyết vấn đề này, theo thầy Hà là các trường cần phân tách các khối ra xét tuyển, thậm chí có chỉ tiêu ngay từ đầu cho các khối thi. “Bởi như vậy, nếu đề của khối này dễ hay khối kia khó cũng chẳng ảnh hưởng đến nhau trong quyền lợi của thí sinh. Việc phân tách khối như vậy cũng giúp chúng ta có thể nhìn được độ vênh của các khối để các năm sau đó ra đề cho phù hợp hơn”.
Phó Hiệu trưởng một trường ĐH ở phía Bắc đánh giá, điểm chuẩn vào các trường năm nay cao hơn năm trước đến từ việc các trường sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học.
“Đề thi được xây dựng theo hướng tốt nghiệp THPT thì mức độ khó được tính toán như nhau, nhưng khi dùng xét tuyển đại học thì các em khu vực 3 lại không được ưu tiên. Nên như trước đây, đề thi THPT quốc gia có phân cấp câu trung bình, câu khó thì mới đảm bảo công bằng, còn 2 năm nay thì các học sinh khu vực này sẽ thiệt thòi. Chính điều này nảy sinh chuyện thí sinh 3 môn 30 điểm vẫn có thể trượt”, vị này nói và cho rằng khi có nhiều điểm cao thì tính cạnh tranh lại được quyết định ở điểm ưu tiên (khu vực hoặc đối tượng).
Từ năm 2020, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã khẳng định không còn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia mà thay vào đó là Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Mặc dù vậy, chỉ tiêu từ phương thức này hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong các phương thức xét tuyển đại học. Sau kỳ thi năm 2020, có 53% sinh viên mới nhập học theo phương thức này.