Ông Đặng Văn Luân (SN 1962, ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Tôi từng là lính lục quân, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc để bảo vệ Tổ quốc. Năm 1988, tôi trở về quê hương và làm đủ nghề để mưu sinh, lúc đó, chật vật lắm".
Năm 2000, ông Luân tới UBND phường Bắc Nghĩa thuê gần 8ha đất công ích để làm trang trại, nuôi cá, chăn bò.
"Tôi vẫn nhớ như in, khi thuê được đất của xã, tôi phải tự tay đào ao, đắp bờ và chỉ nhờ người thân đến hỗ trợ chứ không có tiền thuê người. Phải mất mấy năm trời, trang trại của tôi mới có hình hài với khu vực ao rộng 15.000m2 và bãi đất rộng để chăn thả bò", ông Luân nói.
Theo ông Luân, sau mỗi mùa vụ, có tiền lời là ông dồn hết để đầu tư mở rộng trang trại. Đến 2019, ông bắt tay vào việc sản xuất lúa hữu cơ kết hợp với nuôi cá.
Ông Luân cho hay: "Một năm tôi chỉ làm một vụ lúa, gieo cấy từ tháng 2 và đến tháng 6 là thu hoạch. Đặc biệt, tôi chọn giống ST25, cùng với việc sản xuất theo phương pháp hữu cơ nên hạt gạo rất đảm bảo. Một vụ tôi gặt đưa về kho được trên 40 tấn lúa và bắt cá dưới ruộng lên cũng mang lại thu nhập khá cao".
Thế nhưng, đến năm 2020, trận lũ lịch sử đã cuốn trôi trên 15 tấn cá trong ao hồ của ông Luân. Lần đó, ông thiệt hại nặng, phải chạy khắp nơi để vay người thân và tới Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình vay 80 triệu đồng từ chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để vực lại trang trại.
Hiện trang trại của ông đang có 20 con bò, 1.000 cây dừa chuẩn bị ra trái bói, ao hồ rộng 15.000 m2 ông nuôi các loại cá: trắm, rô phi, mè, diếc… cùng với mô hình cá lúa, một năm ông thu hoạch được hơn 20 tấn cá. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương với mức lương 5 – 7 triệu đồng.
Ông Đăng Văn Luân chia sẻ: "Để làm trang trại hiệu quả, mình phải liên kết được các việc với nhau, như ở mô hình của tôi, phân bò tôi tận dụng để bón cho lúa, việc nuôi cá và lúa mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cá ăn sâu bệnh hại nên lúa ít bị sâu bệnh, cá sục bùn diệt cỏ dại. Điều tiên quyết là phải chịu khó, đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm để trau dồi vốn kiến thức cho bản thân trong việc chăn nuôi, trồng trọt".
"Đối với nuôi cá trong ruộng lúa, đầu tiên là phải lựa chọn giống cá phù hợp với hệ sinh thái đồng ruộng. Chọn nuôi các loại cá không cạnh tranh thức ăn với nhau. Phải chú ý về hệ thống thoát nước để điều tiết lượng nước trong ruộng cho phù hợp với từng thời điểm, trong trường hợp mưa bão nước lớn phải bơm nước chuyển cá sang khu ruộng cấy để tránh thất thoát cá. Mô hình lúa cá này dễ thực hiện, rủi ro thấp, chỉ cần đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa và tạo hệ thống kênh mương xung quanh thửa ruộng.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cần phải áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Tôi đang triển khai gieo, gặt lúa bằng máy móc, hạn chế được sức người, rút ngắn thời gian sản xuất từ đó nâng cao giá trị, thu nhập cho người nông dân", ông Luân chia sẻ.
Ông Đăng Văn Kỳ - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đồng Hới cho biết: "Ông Đăng Văn Luân là môt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, từng nhiều lần nhận được bằng khen, giấy khen từ tỉnh tới Trung ương. Hiện mô hình cá lúa và trang trại của ông đang là điển hình tại địa phương, nhiều nông dân đã tới học hỏi và được ông Luân chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt rất nhiệt tình".