Lãi suất còn giảm
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, lãi suất huy động tiền đồng hiện phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, cao nhất là 7,3%/năm cho kỳ trên 12 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang trong xu hướng giảm.
Giới chuyên môn nhận định, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm bởi 3 yếu tố chính là kỳ vọng điều chỉnh lãi suất điều hành; thanh khoản trong hệ thống dự báo tiếp tục dư thừa và các ngân hàng được lùi lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 1 năm.
Công ty Chứng khoán SSI đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể giảm tiếp khoảng 0,5-0,7 điểm % ở kỳ hạn dưới 12 tháng và khoảng 0,2-0,3 điểm % ở các kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Lãi suất huy động giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn rẻ. |
Lãi suất huy động giảm sẽ giúp các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, với xu hướng giảm như trên thì lãi suất cho vay cũng khó giảm mạnh.
Lãi suất cho vay hiện phổ biến từ 6-9%/năm với kỳ ngắn hạn và từ 9-11%/năm với trung dài hạn. Riêng cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng ở các lĩnh vực ưu tiên là 5%/năm.
Song, nhiều doanh nghiệp than phiền là lãi suất cho vay hiện vẫn khá cao, giảm không như mong đợi. Thậm chí, gần như chưa có sự khác biệt khi giảm lãi cho khoản vay hiện hữu so với trước dịch. Còn các khoản vay mới, so với trước dịch, lãi suất chỉ giảm từ 0,1-0,5 điểm %, rất ít doanh nghiệp được hưởng mức từ 1 điểm % trở lên.
Theo ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Công ty CP Thiên Anh, TP.HCM, khi đem giấy tờ nhà đi cầm cố để vay vốn thì ngân hàng thông báo lãi suất cho vay ngắn hạn 9 tháng, có tài sản thế chấp là 7,5%/năm trong 3 tháng đầu, 6 tháng tiếp theo tăng lên 8,5%/năm. Đây là mức lãi suất vay thông thường, chứ chẳng phải ưu đãi.
Tiền ứ ngân hàng, DN vẫn chờ vốn rẻ
Một số ngân hàng cho biết, trong điều kiện lãi suất huy động hiện nay, khó có thể giảm sâu lãi suất cho vay, nhất là các doanh nghiệp không có phương án kinh doanh tốt. Việc giảm lãi suất cho các khoản vay thời gian qua, một phần từ việc các ngân hàng tự tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí giảm lương, thưởng nhân viên, không chia cổ tức bằng tiền mặt,... Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải trả lãi đối với các khoản huy động từ người dân, tổ chức kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn nên muốn giảm mạnh lãi suất cho vay. Tuy nhiên, biên độ giữa lãi đầu vào và đầu ra tại các ngân hàng không còn nhiều.
Theo các doanh nghiệp, mức lãi suất cho vay hiện tại gần như không thay đổi so với đầu tháng 5, thời điểm đợt dịch đầu tiên được khống chế.
Không đủ điều kiện vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, nhiều DN chấp nhận vay tín dụng đen (ảnh minh họa). |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, với dư địa hiện nay, không kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh và vay vốn ngân hàng cũng không hề dễ dàng. Đại diện Công ty May thêu Minh Long Hưng, TP.HCM chia sẻ, muốn vay vài tỷ đồng để nhập mẫu vải mới, sản xuất quần áo trở lại nhưng rất khó. Vì trước đó, toàn bộ nhà xưởng đã thế chấp cho ngân hàng để vay đầu tư thiết bị, máy móc cả rồi. Ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay, vì vướng nhiều quy định như tài sản đảm bảo, không có nợ xấu, hồ sơ thủ tục,... Rốt cuộc, đi nhiều ngân hàng doanh nghiệp đều không vay được số tiền như mong muốn.
Một doanh nghiệp khác kinh doanh trong ngành may mặc tại Hà Nội cho hay, dù vay ngắn hạn với lãi suất 9%/năm thì cũng rẻ hơn nhiều so với vay tín dụng đen, lên tới 5.000 đồng/1 triệu/ngày. Song, ngân hàng có quá nhiều điều kiện khiến họ khó tiếp cận vốn, cứ phải tìm đến tín dụng đen dù biết rất rủi ro.
Một loạt doanh nghiệp du lịch cũng than thở khi bị các ngân hàng đánh giá đây là lĩnh vực kinh doanh đang gặp nhiều rủi ro. Nếu tài sản thế chấp không có đồng nghĩa với việc doanh nghiệp khó có thể vay vốn từ ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, không thể nới lỏng các điều kiện cho vay được. Nếu cứ đến ngân hàng là được vay vốn sẽ rất nguy hiểm. Nợ xấu sẽ tăng và có thể bị hình sự hóa các quan hệ kinh tế sau này.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần có chính sách tạo dòng tiền cho doanh nghiệp lúc này thông qua gói hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu không, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động và giải thể, phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền.