Tối 16/9, đại diện Công an huyện Krông Búk (Đắk Lắk) cho biết đã tạm giữ Lường Văn Nghiêm, 32 tuổi, trú tại xã Ea Sin, huyện Krông Búk) để điều tra hành vi chạy ô tô vào sân trường, gây tai nạn khiến bé gái lớp 2 tử vong.
Khoảng 6h40 sáng 16/9, Nghiêm điều khiển ô tô bán tải 47C-348.xx chở con đến trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krông Búk). Do trời mưa, Nghiêm chở con vào tận lớp học. Tuy nhiên, khi lùi xe trong sân trường, Nghiêm đã tông trúng 3 học sinh nữ đang che chung một chiếc ô. Hậu quả khiến bé gái H.N.A.M. (học sinh lớp 2) tử vong tại chỗ, hai em còn lại xây xát nhẹ.
Hiện trường vụ tai nạn. |
Trao đổi với báo chí, ông Lưu Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân cho biết, nội quy nhà trường không cho xe vào sân để đưa đón học sinh. Lúc xảy ra sự việc, nhân viên bảo vệ vừa ra phía sau khu tập thể nhà trường bơm nước nên không phát hiện, ngăn ôtô chạy vào sân trường.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Giảng viên luật hình sự Trường Đại học Thuỷ lợi cho rằng, hành vi của phụ huynh điều khiển xe trong sân trường sau đó lùi tông phải nữ sinh khiến cháu bé tử vong là rất bất cẩn, đáng trách và có dấu hiệu tội phạm. Do đó, việc cơ quan điều tra tạm giữ hình sự để xem xét xử lý là có căn cứ. Tuy nhiên, để khởi tố về tội danh gì, cơ quan điều tra sẽ làm rõ địa điểm gây ra tai nạn, sẽ xác định khu vực đó có phải là khu vực “đường bộ” hay không.
Thông tin vụ việc cho thấy, nam tài xế mới lấy bằng được 3 tháng, điều khiển xe ô tô bán tải vào trường học, sau khi lùi xe đã cán phải một học sinh lớp 2 dẫn đến cháu bé tử vong và gây thương tích cho 2 cháu bé khác.
Với diễn biến như vậy có thể thấy có dấu hiệu hình sự, người điều khiển phương tiện này thiếu chú ý quan sát khi lùi xe, bất cẩn dẫn đến vụ tai nạn giao thông. Do đó tài xế này sẽ được xác định có lỗi, đó là lỗi vô ý và hậu quả khiến cháu bé tử vong nên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đáng chú ý, sự việc xảy ra trong sân trường, khuôn viên nhà trường không phải khu vực đường bộ. Bởi vậy, với lỗi vô ý gây hậu quả chết người, có thể xử lý về nhiều tội danh, trong đó có tội vô ý làm chết người, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ…
Khoản 1, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định: “đường bộ bao gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.”. Hành vi vi phạm quy định khi tham gia giao thông trên đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo điều 260 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, với hành vi tham gia giao thông, điều khiển các phương tiện giao thông không phải khu vực được xác định là đường bộ sẽ không đủ căn cứ để xử lý về tội danh này, khi đó nếu có lỗi vô ý làm chết người thì sẽ xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ việc trên, điều đáng lưu ý, khi người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đi vào đường cấm, khu vực cấm, cũng có thể được xác định là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bởi vậy, trong tình huống này sân trường này có biển cấm hay không, cơ quan chức năng có xác định đây là khu vực cấm xe ô tô hay không, nếu là khu vực cấm xe ô tô, xe ô tô không được phép di chuyển vào đây cũng có thể xem xét xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự do xe ô tô đi vào khu vực cấm.
Trường hợp sân trường không phải là khu vực cấm tham gia giao thông, chưa có căn cứ xác định sân trường này là khu vực cơ quan có thẩm quyền cấm tham gia giao thông thì không đủ căn cứ để xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, khi đó có thể xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự. Nếu xử lý về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự thì người này sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể đến 5 năm tù.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của bảo vệ, của người lãnh đạo nhà trường này về các công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Để xảy ra vụ việc ở trong trường học, chắc chắn là người bảo vệ và lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm. Mức độ trách nhiệm đến đâu sẽ phụ thuộc vào nội quy quy chế, phụ thuộc vào công tác quản lý phải đảm bảo an toàn cho học sinh trong tình huống này.
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy hoàn cảnh gia đình cháu bé là rất éo le. Do đó, nhà trường và chính quyền địa phương cần có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn. Người gây tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, thiệt hại bao gồm chi phí mai táng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật. Với cháu bé bị thương tích cũng cần phải đưa đi thăm khám, điều trị và đảm bảo các quyền lợi về vật chất, tinh thần cho các cháu bé này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đi ngược chiều gây tai nạn, nữ tài xế hung hăng đánh người