Nhiều người cho biết, thời gian gần đây rất nhiều chương trình phát trên YouTube, từ ca nhạc, hài kịch, phim ảnh, hay các chương trình cho thiếu nhi... cứ vài phút lại xuất hiện quảng cáo "Bà con, ai đang gặp các vấn đề về xương khớp gọi cho tôi".
Các quảng cáo về trị xương khớp tràn lan trên YouTube. |
Quảng cáo về trị xương khớp không phải là trường hợp đầu tiên khiến người xem chán ngán và mệt mỏi. Hiện tượng tự xưng “lương y”, “thần y” chữa bách bệnh trên YouTube trong suốt thời gian qua.
Trước đây, các quảng cáo thường có mô típ na ná nhau với câu nói quen thuộc "Nhà tôi ba đời nhận chữa” từ ba đời chữa trĩ, yếu sinh lý, chữa sỏi thận, chữa tiểu đường, bệnh ngoài da...
Quảng cáo trị xương khớp chữa dứt điểm 100%. |
Anh Nguyễn Văn Vĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mỗi khi mệt mỏi, anh vào YouTube để nghe nhạc thư giãn. Thế nhưng cứ mở nhạc lên là quảng cáo chen vào toàn thấy lương y tự xưng. Cứ nghe đến câu “nhà tôi ba đời nhận chữa bệnh”, “ai bị sỏi thận hãy gọi cho tôi” là anh... phát ốm.
Cùng chung tâm trạng mệt mỏi, chị Nguyễn Nguyệt Hà (Gia Lâm, Hà Nội) bực bội: “Dạo này quảng cáo mấy kiểu thuốc đông y của các lương y tự xưng oanh tạc phát sợ. Cứ mở YouTube là các thầy thuốc, lương y ùa ra chào mời. Xem mà phát hoảng”.
“Điều đáng lo nhất là các quảng cáo ví dụ như quảng cáo trị xương khớp đăng trên YouTube luôn cam kết chữa khỏi 100%. Mẹ tôi bị xương khớp đang điều trị theo đơn của bác sỹ, nghe mấy quảng cáo này, cứ nằng nặc đòi mua. Tôi giải thích thế nào cũng không được” chị Phạm Thùy Trang, Nam Từ Liêm, Hà Nội kể.
Người xem phát chán và mệt mỏi với những quảng cáo "nhà tôi ba đời..." |
Chị Hà Phương Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “YouTube để quảng cáo xuất hiện quá nhiều, đồng thời kiểm duyệt và phát tán những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rất nguy hiểm”.
Theo Vietnamnet, đại diện YouTube cho biết sẽ gỡ bỏ nếu phát hiện những quảng cáo thuốc vi phạm chính sách. Tuy nhiên, Google (công ty mẹ của YouTube) không có chính sách riêng về quảng cáo thuốc ở Việt Nam hoặc chính sách dựa trên các quy định pháp luật của nước ta. Để biết quảng cáo nào là vi phạm chính sách, Google cung cấp một chính sách quảng cáo chung trên tất cả nền tảng của mình.
Theo đó, Google có các chính sách hạn chế quảng cáo thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, thuật ngữ thuốc và chất không được chấp thuận cùng các hạn chế khác. Tuy nhiên, hạn chế của Google chủ yếu nhắm vào các thành phần, tá dược phương Tây trong khi những mẫu quảng cáo thuốc ở Việt Nam lại khéo léo lách luật bằng các thành phần là rễ cây, thân cây, vỏ cây... gọi chung là thuốc Nam hoặc thuốc Đông y gia truyền.
Một quảng cáo trên YouTube. |
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, các sản phẩm quảng cáo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn như ở trên là nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thực tế, đa phần các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, trước khi các quảng cáo này được Google thẩm định và gỡ bỏ, người dân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo kiểu trên trời để tránh tiền mất, tật mang.
Mời độc giả xem video: Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. HCM không ứng cử Đại Biểu Quốc Hội. Nguồn: VTV TSTC.