Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm 0,5 điểm phần trăm nhiều loại lãi suất bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng…
Đồng thời, NHNN cũng hạ lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở, và trần lãi suất tiền gửi với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Nhận định về hành động của NHNN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quyết định này rất quan trọng vì sẽ tác động đến lãi suất chung của nền kinh tế. Khi giảm lãi suất điều hành sẽ gián tiếp tác động hạ được lãi suất cho vay trên thị trường 1.
Tuy nhiên, theo ông, sẽ có độ trễ trong chính sách trên tới thị trường người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chuyên gia đề cập giữa thị trường 1 và thị trường 2 không có sự liên kết chặt nên giảm lãi suất trên thị trường 2 sẽ không tương đồng trên toàn thị trường 1.
“Trên thị trường 2 giảm 0,5% không có nghĩa trên thị trường 1 sẽ giảm 0,5%, độ trễ và tác động thực tế trên thị trường 1 sẽ ít hơn trên thị trường 2.”, ông Hiếu nhận định.
Tác động từ việc hạ lãi suất đến thị trường 1 không lớn. Ảnh:L.H |
Mặt khác, theo ông Hiếu, động thái của NHNN nhắm đến việc giảm chi phí vốn cho ngân hàng. Tuy nhiên, trong tình trạng nền kinh tế hiện nay, dù NHNN không thực hiện, có lẽ thị trường cũng sẽ tự điều chỉnh để phù hợp do hoạt động tín dụng của các ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Khi hoạt động tín dụng giảm, ngân hàng không có nhu cầu huy động vốn lớn, do đó lãi suất huy động cũng không tăng lên. Nhìn chung, việc hạ lãi suất điều hành là hành động nhằm đến việc giữ lãi suất thấp trên thị trường 1, thông qua thị trường 2.
Với riêng thị trường 1, NHNN cũng đã quyết định hạ trần lãi suất cho vay với các kỳ hạn dưới 6 tháng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm, lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm. Đây là động thái rõ nhất cho thấy NHNN kỳ vọng giảm mặt bằng lãi suất chung.
Theo ông Hiếu, trong thời gian tới, trong trường hợp cần thúc đẩy mạnh nền kinh tế hoặc tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, NHNN có thể sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Phát triển Khách hàng Tổ chức CTCP Chứng khoán SSI nhận định, hành động của NHNN là cần thiết để hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm chi phí vốn, giúp các nhà băng duy trì việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Đức cho rằng mức giảm vẫn này vẫn còn nhỏ và hy vọng sẽ tiếp tục hạ thêm lãi suất.
Chia sẻ quan điểm, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định việc hạ lãi suất của NHNN thể hiện việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế đang chịu những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Động thái này vừa là động lực, đồng thời mang tính chất định hướng tạo điều kiện cho kinh tế dần hồi phục. Theo ông Khoa, quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng thích ứng giúp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được giảm gánh nặng tài chính, đưa hoạt động kinh doanh sản xuất trở lại trạng thái bình thường và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với kiềm chế lạm phát.
Vị lãnh đạo của HSBC dự báo thanh khoản thị trường tiền tệ tiếp tục dồi dào, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định.
Trong chia sẻ về quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết quan điểm điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt của NHNN là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.